A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải “bài toán” phát triển kinh tế cho vùng cao Quảng Ngãi

Làm thế nào để phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các dân tộc ở Quảng Ngãi là một “bài toán” khó cần có lời giải.

Những năm qua, các chính sách, chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn huyện bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Làm thuê và trồng lúa để kiếm sống nhưng thu nhập bấp bênh, gia đình chị Đinh Thị Quy (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) từng thuộc diện hộ nghèo nhận trợ cấp của Nhà nước, nhưng nay cuộc sống của chị Quy đã có nhiều thay đổi.

“3 năm trở lại đây, nhờ được vay vốn nuôi gà kiến sạch và đi hái rau rừng về cung ứng cho siêu thị nên đã có thu nhập ổn định, cuộc sống không còn chật vật nữa”- chị Quy chia sẻ.

Tại huyện Sơn Hà, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện. Các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh.

Ớt xiêm Sơn Hà- nông sản được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong cả nước.

Ớt xiêm Sơn Hà- nông sản được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong cả nước.

Hiện nông sản Sơn Hà được người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến, lượng tiêu thụ ngày càng mạnh. Một số nông sản trở thành hàng hóa và được người tiêu dùng biết đến, tiêu biểu như gà kiến, gà đen và mắm cá niên của huyện Sơn Hà đều là sản phẩm OCOP 3 sao và đã vào siêu thị Big C, Coop Mart.

“Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, địa phương đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong các năm 2021, 2022 đều giảm từ 4,5 - 5%”- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho hay.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng với 187.000 người là đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp.

Đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi còn nhiều khó khăn.

Đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi còn nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mỗi năm giảm 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện được mục tiêu này, năm 2023, Quảng Ngãi đầu tư hơn 399 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng miền núi. Nguồn kinh phí dùng thực hiện 7 dự án, chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở đất, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững…

Theo ông Trần Văn Mẫn- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban tập trung vào các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội