A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TPHCM xin cơ chế mới làm dự án BOT, BT để tháo điểm nghẽn giao thông

TPHCM xin cơ chế áp dụng trở lại hình thức BOT trên đường hiện hữu và hình thức BT thanh toán bằng tiền thay vì đổi đất nhằm huy động vốn triển khai các dự án giao thông cấp bách.

TPHCM xin cơ chế mới làm dự án BOT, BT để tháo điểm nghẽn giao thông

Quốc lộ 13 kẹt xe triền miền, mỏi mòn chờ 22 năm chưa được mở rộng. Ảnh: Minh Quân

Áp dụng trở lại hình thức BOT 

Trong dự thảo mới nhất của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù, UBND TP Hồ Chí Minh đã xin nhiều cơ chế đột phá về thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, thành phố xin được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được duyệt với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Hình thức hợp đồng BOT trên đường hiện hữu bị tạm dừng từ năm 2017 theo Nghị quyết 437 của Quốc hội. Hình thức đầu tư này chỉ thực hiện ở công trình mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương, hàng loạt dự án mở rộng cửa ngõ thành phố sẽ được triển khai sau nhiều năm chậm trễ vì thiếu vốn.

Cụ thể, ở cửa ngõ Đông Bắc, Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương) dài 5,8 km, mở rộng mặt đường từ 19m lên 40 – 60m, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỉ đồng.

Cửa ngõ phía Tây, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) cũng được mở rộng từ 19 m lên 52 m, tổng vốn gần 12.900 tỉ đồng.

Tại cửa ngõ Tây Bắc, Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 sẽ mở lên gần 40 m, xây hai cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.

Quốc lộ 13 dự kiến được mở rộng theo hình thức BOT.  Ảnh: Minh Quân

Quốc lộ 13 dự kiến được mở rộng theo hình thức BOT. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, Sở GTVT cho biết, trở ngại lớn nhất của các dự án trên khi làm BOT là Luật Đầu tư theo phương thức PPP không cho phép vốn ngân sách tham gia quá 50%. Trong khi đây đều là những dự án có tổng vốn lớn, nhà đầu tư phải tự thu xếp phần vốn còn lại trong tổng mức đầu tư của dự án là chưa linh hoạt.

Việc này làm cho phương án tài chính dự án không khả thi, gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo phương thức PPP nói chung và BOT nói riêng.

Do đó, khi xin cơ chế làm dự án BOT, thành phố cũng xin kèm cơ chế: trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND TP Hồ Chí Minh được quyết định tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Triển khai dự án BT thanh toán bằng ngân sách

Cùng với hình thức BOT, TP Hồ Chí Minh cũng xin cơ chế áp dụng lại hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vốn đã bị "xoá sổ" từ năm 2018.

Tuy nhiên, thay vì đổi đất lấy hạ tầng như trước, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền. 

Cụ thể, HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định sử dụng vốn ngân sách và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

Đối với lãi vay, lợi nhuận, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

Kẹt xe Quốc lộ 1A qua huyện Bình Chánh.  Ảnh: Minh Quân

Kẹt xe Quốc lộ 1A qua huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Quân

Theo Sở GTVT, trước đây thành phố đã áp dụng hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất thành công như: đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, đường D3 kết nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, cầu Thủ Thiêm 2... Một số dự án BT thanh toán bằng tiền cũng thành công như các cầu: Kênh Tẻ 2, Ông Lãnh, Văn Thánh 2, Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn 2... 

Tuy nhiên, vì bị cho là không minh bạch nên sau đó Luật Đầu tư theo phương thức PPP ban hành đã bỏ hình thức BT. Việc này khiến nhiều dự án giao thông cấp bách ở thành phố nhiều năm không triển khai được vì thiếu vốn.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cho biết tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 rất chậm, chỉ đạt khoảng 35% so với Quy hoạch theo Quyết định 568 đã được Thủ tướng ban hành năm 2013, phần lớn do thiếu cơ chế huy động các loại hình vốn ngoài ngân sách.

Do đó, việc thành phố được áp dụng trở lại hình thức đầu tư dự án theo hợp đồng BT, BOT sẽ giúp tăng khả năng huy động vốn và sử dụng hiệu quả nguồn lực của thành phố.

Theo ông Lâm, nếu thực hiện được các phương thức này, thành phố có thể triển khai ngay các dự án đầu tư trọng điểm cấp bách, không phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai 2021 – 2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội