Liên hoan phim châu Á lần thứ I mở ra nhiều cơ hội mới cho Đà Nẵng
Phát triển điện ảnh giúp Đà Nẵng quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, thu hút đầu tư và khách du lịch.
Đà Nẵng sẵn sàng đón tiếp nhiều đoàn làm phim
Trên thực tế, ngành công nghiệp điện ảnh tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế địa phương, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, thu hút đầu tư và khách du lịch; thúc đẩy các ngành hạ tầng khách sạn, vận tải, ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim… phát triển.
Qua Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I, 2023, Đà Nẵng xác định phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế, góp phần vào mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc tổ chức Liên hoan phim châu Á lần thứ I tại Đà Nẵng đã thực sự mở ra một cơ hội mới cho những người làm phim không chỉ ở Việt Nam mà còn cho tất cả các nước trong khu vực cũng như nhiều nước đã quan tâm, gửi phim đến liên hoan phim lần này.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú có niềm tin sau Liên hoan phim năm nay sẽ thu hút được nhiều đoàn làm phim, nhiều tổ chức, đơn vị, nhiều các tác phẩm, tác giả đến liên hoan phim nhiều hơn. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ gửi các tác phẩm đến chương trình và tạo ra một liên hoan phim thành công.
Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, qua liên hoan phim lần này, Đà Nẵng như muốn phát đi một tín hiệu thành phố sẵn sàng đón tiếp nhiều đoàn phim đến đây.
"Đà Nẵng sẽ là trường quay lớn cho các bộ phim có liên quan đến mảnh đất con người việt nam. Tôi tin hành động lần này của Đà Nẵng như là một hiệu ứng để những tỉnh thành khác như Quảng Bình, Huế, Tuyên Quang, Cao Bằng hay những tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ... quan tâm hơn nữa về vấn đề này để đón tiếp những đoàn làm phim.
Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh của các tỉnh thành, vùng miền, đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.
Cần địa phương “chịu khó” hỗ trợ
Tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I, ông Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho biết, Đà Nẵng đang phát triển đa ngành văn hóa và không ngành công nghiệp văn hóa nào có thể cạnh tranh với công nghiệp phim.
Ông Jenner cho rằng, không chỉ doanh nghiệp lớn mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ cũng đang tham gia hoạt động sản xuất phim. Do đó, lợi nhuận mới sẽ được đưa vào cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương.
"Chính quyền Đà Nẵng nên nghĩ về tầm nhìn chiến lược cho việc phát triển này và kêu gọi địa phương để phát triển kinh tế" - ông Jenner bày tỏ quan điểm.
Theo ông Yoshitaka Sugihara - Giám đốc chính sách công của Netflix Nhật Bản, một bộ phim có bối cảnh đẹp sẽ khiến khán giả muốn khám phá và tìm hiểu về địa danh đó. Bên cạnh đó, vai trò của địa phương đối với việc thu hút điện ảnh là rất quan trọng.
Chính quyền địa phương cần có chế độ ưu đãi, hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn làm phim hoàn thành bộ phim một cách thoải mái và thuận lợi nhất. Trong thời đại công nghệ chỉ cần một bức ảnh hấp dẫn đưa lên mạng xã hội thì mạng lưới khán giả các quốc gia sẽ tiếp cận.
"Đà Nẵng đã có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên, phong cảnh, từ nguồn lực sẵn có đó. Vì thế, Đà Nẵng cần tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia để tạo chuỗi cung ứng dành cho điện ảnh cũng như hỗ trợ các đoàn làm phim" - ông Yoshitaka Sugihara nhận định.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thông qua tháng 6.2022 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ Điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định Điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.
"Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành phim, để phát triển thị trường điện ảnh dần lớn mạnh" - TS Ngô Phương Lan cho hay.