Nghiên cứu chính sách để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ vào xã hội hóa giáo dục
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xã hội hóa GD.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. |
Cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa giáo dục
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận định, đây là hội nghị rất có ý nghĩa để ghi nhận, đánh dấu chặng đường 10 năm của sự nỗ lực, đồng lòng từ các cấp chính quyền, ngành Giáo dục và toàn xã hội trong tiếp tục cải thiện, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất giáo dục trên cả nước.
Phó Thủ tướng đánh giá, trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Chúng ta chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.
Cho biết nhiều báo cáo, tham luận của các đại biểu tại hội nghị cũng cho thấy những kết quả cơ bản đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên đến hệ thống cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hóa giáo dục.
Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất để thu hút đầu tư vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập.
Thêm đó, trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí gần 33.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 65,9% (2013) lên 86,6% (2023), trong đó các khu vực miền núi, đồng bào thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhận được nhiều quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập gia tăng nhanh chóng, năm học 2022-2023, cả nước có gần 4.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng hơn 2.500 trường so với năm 2013.
Một số trường mầm non, phổ thông có sự tham gia của nước ngoài đã được thành lập, qua đó học sinh, giáo viên có cơ hội tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến, tài liệu và phương pháp giáo dục hiện đại.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua.
Phó Thủ tướng đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.
Vẫn cần thêm nhiều nguồn lực
“Công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc trong tương lai của các thế hệ học sinh. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, xã hội tới đội ngũ giáo viên - những người đang trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” của đất nước”.
Nhấn mạnh điều này, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho biết chúng ta vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn còn thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học mượn, nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đào tạo.
“Chúng ta cùng tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới” - trên tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.
Đồng thời, đảm bảo ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát, quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; giáo dục và đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Một lần nữa, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang đóng góp, đầu tư cho ngành Giáo dục.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những việc đã làm được, những kinh nghiệm trong thực hiện công tác xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên thời gian qua; những dự kiến và đặc biệt là khẳng định cam kết tiếp tục chung tay, sát cánh cùng ngành Giáo dục thực hiện công tác xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.
Thay mặt cho ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn sự quan tâm và những chỉ đạo sâu sát của Phó Thủ tướng Lê Thành Long. Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai có hiệu quả các chỉ đạo này trong thời gian tới.