Quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo được rà soát kỹ lưỡng
Quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ với nhà giáo được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh cải cách tiền lương.
Kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo
Sáng 8/10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; phù hợp với xu thế của quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024) gồm 9 Chương 45 Điều (giảm 26 Điều so với dự thảo bản trình Quốc hội ngày 6/9/2024). Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi được chỉnh lý đảm bảo không làm thay đổi 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật được hoàn thiện theo hướng chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành được nghiên cứu, quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...) đã được đưa ra khỏi dự thảo luật để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.
Những nội dung chính sách được thiết kế trong dự thảo luật bảo đảm có đủ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, có cơ sở để đánh giá tác động, đảm bảo tính khả thi. Một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo tại Báo cáo số 608/BC-CP ngày 5/10/2024 của Chính phủ và cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với nhà giáo; kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh |
Về tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo, Thường trực Ủy ban cơ bản đồng tình với việc quy định chức danh nhà giáo tương ứng với các cấp học, trình độ đào tạo tại Điều 12, áp dụng cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định chức danh nhà giáo chưa phù hợp với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập; đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định chức danh nhà giáo trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 5, do Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân không quy định về nội dung này.
Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 13. Đề nghị cân nhắc việc áp dụng tiêu chuẩn về “sức khỏe” khi xem xét bổ nhiệm hạng chức danh nhà giáo; cân nhắc việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo về sức khỏe để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế theo pháp luật về khám sức khỏe.
Về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với nhà giáo, Thường trực Ủy ban cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại Điều 25 và cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo (Điều 26, Điều 27), nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo (điểm d khoản 1 Điều 26), chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại “vùng nông thôn” (điểm a khoản 2 Điều 26).
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo (Điều 28), Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Quy định về nghỉ hưu trước tuổi đối với nhà giáo trong trường, lớp dành cho người khuyết tật cần xem xét kỹ lưỡng hơn trong mối tương quan với các đối tượng nhà giáo khác và các đối tượng lao động khác trong môi trường tương tự.