A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa Luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 7/10, tại phiên họp thứ18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Tờ trình tóm tắt Dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự án Luật gồm 8 chương, 62 điều, điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của luật gồm: doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một trong những nội dung lớn được quy định tại dự thảo luật là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Theo đó, tại Điều 25, Dự Luật quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày Tờ trình Dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày Tờ trình Dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải phê duyệt chủ trương đầu tư không thuộc đối tượng theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật đầu tư công được thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật này. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự án luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng dự án luật.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng cho phù hợp, bảo đảm bao quát hết các trường hợp có vốn nhà nước đầu tư, thống nhất với phạm vi điều chỉnh là quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý chặt chẽ nguồn lực của nhà nước, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cũng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nêu tại dự thảo luật là “chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp”. Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được quy định tại Dự Luật cũng chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các quy định để tránh chồng chéo về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình việc cần sửa đổi Luật, tuy nhiên Dự án Luật vẫn còn những nội dung, chính sách mới chưa được đánh giá toàn diện; còn khá nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục “dọn dẹp” quy trình thủ tục, hạn chế xin – cho...

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là dự án luật khó, cần xem xét luật sửa đổi lần này đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng hay chưa?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa luật lần này phải nhấn mạnh đến tăng cường phân cấp, phân quyền. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa luật lần này phải nhấn mạnh đến tăng cường phân cấp, phân quyền. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cần đặt vấn đề sửa luật trên tinh thần cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thay đổi cơ cấu và phát triển doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước. Cụ thể là việc tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước có chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp; chức năng quản trị kinh doanh doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sửa luật lần này phải nhấn mạnh đến tăng cường phân cấp, phân quyền.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ những vẫn đề cần làm rõ trong quá trình sửa đổi Luật. Cụ thể như luật mới tách bạch nội dung nào Quốc hội quy định, nội dung nào Chính phủ và các bộ, ngành quy định; quy định của Dự Luật đã bảo đảm tính đồng bộ với quy định của pháp luật hay chưa, nhất là với những luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng; những nội dung trong Luật hiện hành còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp vốn nhà nước thì có được tiếp tục giữ lại hay không. Cùng với đó, cũng cần làm rõ, Dự thảo Luật có xử lý dứt điểm hay một phần vấn đề vướng mắc tại Luật hiện hành cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua liên quan đến đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội