Trà Vinh: Dừa sáp cấy phôi giúp nông dân thu tiền tỉ
Dừa sáp cấy phôi vừa thích ứng được với nhiều môi trường thổ nhưỡng, vừa cho năng suất trái sáp cao, chất lượng sáp đến 97%, giúp nông dân Trà Vinh thu tiền tỉ mỗi năm.
Tái sinh nguồn cây giống dồi dào
Dù dừa sáp là đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhưng phương pháp nhân giống truyền thống cho năng suất không ổn định, mỗi quầy dừa chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20% - 30%.
Để khắc phục hạn chế này, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô.
Ngày 14/6/2017 Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Hợp đồng số 11/2017 thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ với tổng kinh phí được cấp là 10,5 tỷ đồng.
Đề tài do TS. Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Trường Đại học Trà Vinh làm chủ nhiệm cùng PGS.TS Phạm Văn Đồng, Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ nhiệm đề tài nhánh và các giảng viên Khoa Nông nghiệp Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh cùng thực hiện từ 6/2017 đến tháng 12/2022.
Theo TS. Phạm Thị Phương Thúy - Chủ nhiệm đề tài: Dừa sáp cấy phôi không thay đổi giống cây, chỉ thay đổi phương pháp nhân giống. Phương pháp nuôi cấy phôi là sử dụng phôi hữu tính từ trái sáp, nuôi cấy in vitro trong môi trường nhân tạo. Dừa sáp cấy phôi cho thành công trái đến 80%, nếu trồng tập trung có thể lên đến 90%.
Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu tốt, cây có thể trồng ở các vùng cao hoặc vùng bị nhiễm mặn, chịu được độ mặn đến 15‰ và cho chất lượng sáp ổn định.
"Sau khi đưa cây giống đi trồng ở nhiều nơi, chứng minh rằng dừa sáp cấy phôi có thể thích ứng với nhiều loại đất khác nhau. Các nhà khoa học chứng minh là, chất lượng sáp của dừa là do đặc tính di truyền, không phải do thổ nhưỡng.", TS. Phạm Thị Phương Thúy nói.
Để trồng dừa sáp cấy phôi đạt hiệu quả cao, TS. Phạm Thị Phương Thúy cho biết: Thông thường, sau 5 năm trồng, dừa sáp mới bắt đầu thu hoạch nhưng nếu được chăm sóc tốt, dừa sáp sẽ được thu hoạch vào năm thứ 3. Chất lượng dừa sáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời gian trái đạt đúng ngưỡng sáp, từ khi cây ra lưỡi mèo đến trái đạt sáp ổn định phải mất 12,5 tháng, phải xác định đúng thời gian thu hoạch trái mới đạt kết quả sáp cao. Trong thu hoạch, khuyến cáo người dân chỉ thu nửa quầy trái, nửa quầy trái sau khi đạt chất lượng mới thu hoạch.
Bên cạnh đó, đối với dừa sáp cấy phôi lượng phân cần bón tăng gấp đôi dừa sáp thường. Ngoài ra, cần bón phân thêm định kỳ hằng tháng, để lượng sáp đạt chất lượng hơn. Sau nhiều thí nghiệm cho thấy, khi bón phân đúng theo khuyến khích năng suất đạt trái đã tăng lên. Cụ thể, cây dừa 7 năm tuổi sẽ đạt 97 trái/cây/năm.
Sau 6 năm triển khai đề tài, Trường Đại học Trà Vinh đã xây dựng thành công 01 vườn cây đầu dòng dừa, diện tích 5ha với 800 cây dừa sáp cấy phôi. Hiện, trường đã thu hoạch được đợt trái đầu tiên; mỗi cây cho ra khoảng 80 trái dừa/năm với tỉ lệ trái sáp đạt trên 90%. Mỗi tháng, vườn dừa này cho thu hoạch khoảng 5.000 trái. Ngoài ra, trường cũng sản xuất cây giống cho người dân, cung cấp 2.000- 3.000 cây/năm cho khách hàng trên cả nước với giá 800 ngàn đồng/cây.
Giúp nông dân thu tiền tỉ mỗi năm
Điển hình cho việc trồng dừa sáp cấy phôi đem lại thu nhập cực cao là trường hợp anh Đặng Minh Bé (ấp Bình La, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Vườn dừa của anh Bé cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Anh Đặng Minh Bé kể, nhận thấy cây dừa sáp truyền thống có năng suất thấp, thông thường khoảng 2-3 trái trên một quầy có sáp. Thấy hiệu quả năng suất dừa không cao, anh Bé bắt đầu tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng các nghiên cứu về cây dừa sáp. Qua đó, anh biết được phương pháp trồng dừa sáp từ nguồn giống nuôi cấy phôi.
"Năm 2010 tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 400 cây trên diện tích 2ha. Sau thời điểm thu hoạch đầu, tôi nhận thấy năng suất cho trái sáp của cây dừa có thể tăng từ 5 - 10 lần so với phương pháp truyền thống, chất lượng trái có sáp trên mỗi cây đạt đến 97%," anh Đặng Minh Bé nói.
Anh Đặng Minh Bé cho biết thêm: Từ khi trồng đến nay, anh đã sở hữu 10ha dừa sáp với 2.000 cây. Trong đó, có 600 cây đã có trái ổn định hằng năm. Trung bình một tháng, cây dừa trong vườn cho ra 7 quả có sáp. Với giá mỗi trái dừa sáp được bán với giá từ 80.000 đến 160.000 đồng/trái; mỗi tháng, anh Bé thu nhập khoảng gần 900.000 đồng/cây dừa sáp (tùy giá biến động).
"Hiện, mỗi năm tôi cung cấp 10.000-20.000 cây giống cho người dân trên cả nước. Ngoài ra, tôi còn chế biến sâu các sản phẩm từ dừa sáp như kẹo, mứt, kem... để đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa sáp, giúp nâng cao giá trị trái dừa. Tuy nhiên với nhu cầu người dùng cao nên thường xuyên rơi vào tình trạng khan hàng.", anh Bé chia sẻ.
Theo TS. Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Trường Đại học Trà Vinh, các đầu mối thu mua dừa sáp ưa chuộng mua sáp cấy phôi hơn, do dừa sáp cấp phôi cho ra trái đồng đều và có thể thu gom được số lượng lớn.
Hiện dừa sáp được xuất khẩu sang các thị trường như: Malaysia, Singapore, Úc… Hướng tới, sẽ xuất khẩu dừa sáp sang Nhật, vì thị trường Nhật rất thích dừa sáp, đặc biệt ở Nhật tìm ra những dưỡng chất liên quan đến, mỹ phẩm dược liệu có trong dừa sáp.