Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo, nâng cao vị thế cho nông dân ĐBSCL
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy xong ý kiến đóng góp của 12 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trước khi trình Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Theo Tổng cục Thống kê, ĐBSCL với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp; đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Ngành lúa gạo của ĐBSCL đã không ngừng áp dụng cải tiến giống cây trồng, thay đổi từ giống lúa năng suất thấp chỉ đạt 2-3 tấn/ha sang các giống lúa cao sản chất lượng cao đạt 6-8 tấn/ha.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành hàng lúa gạo hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả. Cụ thể, quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ, thu nhập của người nông dân còn thấp, tỷ lệ sản xuất bền vững còn chưa cao, thiếu hệ thống kiểm soát phát thải khí nhà kính...
Vì thế, việc triển khai xây dựng đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL” có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết diện tích mà 12 tỉnh, thành ĐBSCL đăng ký tham gia đề án này theo thống kê đến năm 2024 được khoảng 214.796.000 ha (trừ Bến Tre không tham gia do diện tích lúa ít). Đây là diện tích đã thực hiện dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Hợp tác xã là nòng cốt
Điểm khác biệt của đề án so với các dự án trước đây về ngành hàng lúa gạo là giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất bằng việc rơm, rạ được di chuyển khỏi đồng ruộng để tái sử dụng, chế biến. Tuy nhiên, thói quen của nông dân là hay đốt đồng để nhanh chóng xử lý rơm, rạ.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, đề xuất, để xử lý gốc rạ, người dân thường đốt rơm do không còn cách nào khác, vì không đốt thì không thể nào nhanh chóng đưa diện tích đất vào khai thác vụ mới. Vì vậy, cần ứng dụng sinh học vào đồng ruộng, làm sao nhanh chóng phân hủy được gốc rạ mới là giải pháp căn cơ.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, khi Đề án triển khai, hàng triệu hộ nông dân sẽ được hưởng lợi. Tập đoàn Lộc Trời tham gia Đề án với tư cách là người làm, trong cuộc, người thực hiện. Tuy nhiên, phải có hợp tác xã tham gia vì liên kết chuỗi doanh nghiệp chỉ có thể liên kết với tổ chức nông dân chứ không thể liên kết với từng cá nhân.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, cần có sự thay đổi tư duy nhận thức về đề án, kể cả từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã. Bởi đây là đề án lớn đầu tiên của ngành hàng lúa gạo không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới.
Theo ông Bình, đề án như là “giai đoạn 2” của mô hình Cánh đồng mẫu lớn, mô hình mà bản thân ông rất tâm đắc và đã thực hiện 10 năm nay rất thành công. Tuy nhiên, mô hình đã không phát triển được và liệu đề án lần này có lặp lại vết xe đổ, không phát triển được như mô hình Cánh đồng mẫu lớn.
Còn ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đề án tạo sự quan tâm của rất nhiều giới, từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đến các nhà khoa học, giới truyền thông, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Tỉnh An Giang ủng hộ và sẽ tham gia đề án với bất cứ giá nào, tuy nhiên khi thực hiện cần phân vai nhiệm vụ rõ ràng của các bên như: nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân làm gì.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, yêu cầu tất yếu là phải tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo ĐBSCL và phải nâng lên một tầm cao mới trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, hướng đến xu thế tiêu dùng xanh. Các chuyên gia, địa phương cùng tiếp cận tham gia xây dựng thương hiệu gạo từ chương trình 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện đề án.
Mục tiêu đề án: Đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%.
Đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%