Mô hình trồng dổi đa giá trị, tạo sinh kế bền vững ở huyện Krông Nô
Hàng ngàn cây dổi đang sinh trưởng, phát triển xanh tốt dưới tán rừng ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Dự án do Tổ chức ActionAid thực hiện với sự đồng hành của đối tác AFV hứa hẹn tạo nên sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Con đường bê tông rộng đẹp dẫn chúng tôi về với thôn Giang Cách (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô). Dù cách trung tâm thị trấn Đắk Mâm không xa, tuy nhiên đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn còn rất khó khăn, nguồn sinh kế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào canh tác nông nghiệp truyền thống.
Trên con rẫy nằm sâu dưới tán cà phê, hạt tiêu, chị Dương Thị Kiên (thôn Giang Cách) cần mẫn chăm sóc những cây dổi đang vào độ sinh trưởng, phát triển mạnh. “Đắk Drô đang vào những ngày tháng cuối mùa khô nên nhu cầu về nước tưới rất lớn…” - chị Kiên nói khi vẫn ra sức kéo ống dẫn nước từ ngôi nhà cấp 4 để tưới tắm cho diện tích cây trồng.
Còn nhớ hồi tháng 8/2022, gia đình chị Kiên là một trong 21 hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn nhất ở xã Đắk Drô được Tổ chức ActionAid và đối tác AFV hỗ trợ phát triển mô hình trồng dổi xen canh với cây lâm nghiệp. 75 cây dổi được canh tác trên mảnh đất mà trước đây chỉ có cà phê và hạt tiêu, hiện đang sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Cách đó không xa, bà Triệu Thị Diêm - một hộ nghèo người đồng bào dân tộc Dao ở xã Đắk Drô cũng đang rất kỳ vọng vào 91 cây dổi được Tổ chức ActionAid hỗ trợ cách đây hơn nửa năm. “Ngoài hỗ trợ cây giống, chúng tôi còn được đưa đi thăm quan mô hình thực tế tại tỉnh Đắk Lắk để học tập kinh nghiệm. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây dổi cho người dân…” - bà Diêm chia sẻ.
Chị Kiên và bà Diêm chỉ là hai trong tổng số 21 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đắk Drô được hưởng lợi từ mô hình trồng cây dổi ứng phó với biến đổi khí hậu do Tổ chức ActionAid thực hiện. Cho đến nay, hơn 3.000 cây dổi đã được cấp cho các hộ khó khăn, là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Krông Nô để phát triển đa dạng sinh kế dưới tán rừng.
Kỳ vọng từ mô hình đa giá trị
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Drô Lê Thị Ngọc Hân, địa phương là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm đến 67% tổng giá trị kinh tế. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu hai mùa mưa nắng, nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc tập trung phát triển nương rẫy cà phê, hạt tiêu, hạt điều… Dù vậy, một vài năm gần đây, giá cà phê, hạt tiêu biến động, có thời điểm không bán được.
“Ngoài sản phẩm chính là hạt, cây dổi sau phát triển còn có thể cho lấy gỗ và phục vụ thị trường tín chỉ carbon. Chúng tôi cũng đang định hướng phát triển các sản phẩm từ cây dổi để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…”
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Drô Lê Thị Ngọc Hân
“Trên cơ sở thăm quan mô hình thực tế cách làm của tỉnh Đắk Lắk, nơi có khí hậu tương đồng với huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), với sự hỗ trợ từ Tổ chức ActionAid và đối tác, chính quyền địa phương đã phối hợp để đưa cây dổi về canh tác trên mảnh đất Đắk Drô, mà trước tiên là hỗ trợ cho các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn…” - bà Lê Thị Ngọc Hân chia sẻ.
Vừa qua, đoàn công tác của Tổ chức ActionAid và các đối tác đã có chuyến khảo sát, đánh giá kết quả bước đầu triển khai mô hình trồng cây dổi, hướng đến mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại xã Đắk Drô, huyện Krông Nô.
Bà Mai Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Phát triển chương trình thuộc Tổ chức ActionAid, cho biết bên cạnh xã Đắk Drô, đơn vị phối hợp cùng đối tác AFV còn tiến hành hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 4 xã khác trên địa bàn huyện Krông Nô. Dù mới triển khai nhưng mô hình trồng cây dổi xen canh cây lâm nghiệp truyền thống đang được kỳ vọng rất lớn.
“Cây dổi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, được các hộ trồng xen cà phê, hạt tiêu giúp đa dạng nguồn sinh kế. Đặc biệt, xu hướng phát triển của thị trường tín chỉ carbon sẽ mang lại giá trị kinh tế về lâu dài cho cộng đồng cư dân tại xã Đắk Drô và huyện Krông Nô nói chung trong nhiều năm về sau…” - bà Mai Thị Thanh Nhàn đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh, địa phương đã xây dựng và đang từng bước triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc, hướng đến ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việc thí điểm lựa chọn cây dổi để trồng tại 5 xã thuộc huyện của Tổ chức ActionAid là phù hợp với định hướng phát triển chung của huyện.
Cũng theo ông Danh, cây dổi sẽ mang lại lợi ích về lâu dài cho cư dân bản địa. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả cao nhất, cần tiến tới liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Do đó, chính quyền địa phương mong muốn Tổ chức ActionAid và đối tác AFV tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác liên kết, phấn đấu mở rộng quy mô diện tích vùng dự án, giúp gia tăng đối tượng được thụ hưởng.
Mô hình trồng cây dổi là một trong những dự án về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường do Tổ chức ActionAid thực hiện tại huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Chương trình có sự hỗ trợ trên nhiều khía cạnh từ Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội tại Việt Nam (AFV).