A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Quyết tâm bài trừ thủ tục lạc hậu

Việc bài trừ thủ tục lạc hậu là hoạt động đã được tỉnh Hà Giang triển khai mạnh trong thời gian qua.

Rào cản cho phát triển kinh tế xã hội

Tục "kéo vợ" là nét đẹp truyền thống trong cộng đồng người H’Mông ở vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, phong tục này đang có sự biến tướng, trở thành hủ tục "bắt vợ".

Ðầu năm 2022, tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xảy ra vụ việc "bắt vợ" gây xôn xao dư luận. G.M.C, sinh năm 2006, trú tại thôn Hấu Chúa, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cố tình lôi kéo một cô gái trẻ "bắt" về làm vợ, mặc cho cô gái gào khóc, van xin. Chỉ đến khi có mặt cán bộ Công an xã Pả Vi, việc làm này mới dừng lại.

Không chỉ có những biến tướng trong phong tục "kéo vợ", nhiều hủ tục trong cưới xin vẫn tồn tại như thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó là những hủ tục trong tang ma, điển hình như trong cộng đồng người H’Mông vẫn còn phong tục người chết không đưa vào áo quan, tang ma kéo dài từ 5 đến 7 ngày, giết mổ nhiều gia súc, cúng bái rườm rà, gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.

Là tỉnh miền núi phía Bắc Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90% dân số của tỉnh. Một số dân tộc vẫn còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, trở thành “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hà Giang: Quyết tâm bài trừ thủ tục lạc hậu
Tục "kéo vợ" là nét đẹp truyền thống trong cộng đồng người H’Mông tuy nhiên đang có dấu hiệu biến tướng

Trước thực trạng đó, những năm qua, việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Đáng chú ý, nhiều mô hình tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng biểu dương, nhân rộng.

Hà Giang có gần 2.000 người có uy tín, là đội ngũ phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các địa phương dựa vào người có uy tín để vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục.

Thời gian qua, từ tỉnh đến xã đã thành lập ban chỉ đạo, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành. Tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy cúng, nhằm rà soát, xác định những phong tục, tập quán tốt đẹp để gìn giữ, nhận diện những hủ tục để xóa bỏ.

Ngay sau khi Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy được ban hành, xã Sà Phìn, huyện Ðồng Văn họp với các trưởng thôn, người có uy tín, thầy cúng, trưởng dòng họ, qua đó xác định ở địa phương còn 12 hủ tục trong tang ma, ba hủ tục trong cưới xin.

Ðể xóa bỏ hủ tục, xã tổ chức gặp mặt, tuyên truyền tới bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, trưởng dòng họ về các hủ tục và những hậu quả của hủ tục, đồng thời chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. Tại một số thôn trọng điểm, xã tổ chức cho các dòng họ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh.

Đẩy mạnh công tác xóa bỏ hủ tục

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tồn tại lâu đời là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện, không nóng vội, ép buộc, lấy tuyên truyền, vận động làm chính, hướng tới thay đổi tư duy, nhận thức bà con để đạt hiệu quả lâu dài và bền vững.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần linh hoạt, linh động, dễ hiểu, phù hợp với từng dân tộc, từng đối tượng nhằm vừa giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu, vừa hướng bà con nhân dân tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh; tích cực nhân rộng các mô hình hay và kịp thời khen thưởng các điển hình. Các địa phương cần chủ động và có giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, không cứng nhắc, quan trọng nhất là hiệu quả. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu và vận động người nhà, người thân thực hiện…

Hà Giang: Quyết tâm bài trừ thủ tục lạc hậu
Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, ký cam kết xóa bỏ hủ tục với các thôn bản

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Triển khai chương trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu, 100% các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quán triệt, thành lập ban chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 09 của Tỉnh ủy. Các địa phương chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hủ tục, phong tục, tập quán trong từng dân tộc, chỉ đạo tổ chức các hội nghị mạn đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, hội thi tuyên truyền tại cơ sở; đưa việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu vào hương ước, quy ước của thôn, bản; xây dựng các mô hình điểm, tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với từng địa bàn, phong tục, tập quán từng dân tộc.

Với quan điểm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, ngày 01/5/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện, đồng thời phát động phong trào Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025…

Bằng nhiều giải pháp, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến hết năm 2025, trên 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu; đến hết năm 2030, các địa phương cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đang còn tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trong việc cưới hỏi, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kéo vợ, những nghi lễ rườm rà, gây lãng phí như thách cưới, tổ chức cưới nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Trong việc tang, vận động nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức đám tang quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về tổ chức lễ hội, các tổ chức, cá nhân điều chỉnh, thay đổi những tập quán lạc hậu, rườm rà phản cảm; rà soát quy hoạch và thống nhất việc tổ chức các lễ hội ở các địa phương bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc;…/.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội