Có nên cho con mang điện thoại tới trường?
Đầu năm học mới, không ít gia đình có những “cuộc chiến” nho nhỏ về việc có nên cho con mang điện thoại thông minh đến trường hay không?
Thực tế ngay trong mỗi gia đình, quan điểm về chuyện này không hẳn đã thống nhất. Người ủng hộ thì nói rằng điện thoại để quản lý con, nhất là khi cần đưa đón, hoặc tra cứu kiến thức. Người nói mang điện thoại thông minh bên người chỉ khiến trẻ xao nhãng, chưa kể đến nguy cơ quay chụp để “bắt nạt” nhau trên mạng xã hội.
Vậy dùng điện thoại “cục gạch” được không, chỉ nghe - gọi? Nhưng tại Việt Nam, từ tháng 9.2024 không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9.2026.
Vấn đề cho hay không cho trẻ mang điện thoại thông minh đến trường đã ở mức… toàn cầu, chứ không phải chỉ ở quốc gia nào. Năm ngoái, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu 2023. Báo cáo dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia, cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.
UNESCO cho biết, có rất ít nghiên cứu đủ sức chứng minh công nghệ kỹ thuật số mang lại giá trị gia tăng cho giáo dục. Phần lớn được tài trợ bởi các công ty đang cố gắng bán các sản phẩm kỹ thuật số. Dựa trên phân tích về 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính 1/4 trong số này đã cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, thông qua luật hay các bản hướng dẫn. Trong đó, Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường từ năm 2018 và mới đây nhất, Hà Lan cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm sau.
Ở Việt Nam, nhiều trường không hẳn ra lệnh cấm nhưng giao quyền kiểm soát điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm. Các em bị phát hiện sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ bị giáo viên nhắc nhở ngay trong group phụ huynh. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ, có giáo viên than thở rằng: “Để thực hiện việc thu điện thoại đầu giờ, tôi đã phải vận động phụ huynh, học sinh, trầy da trật vỏ, xử lý học sinh cố tình không nộp điện thoại đầu giờ. Tôi hy vọng Bộ GDĐT sẽ có quy định cụ thể chung cho toàn ngành giáo dục cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để chúng tôi có chế tài thực hiện việc này và được bảo vệ trước học sinh cũng như phụ huynh”.
Có giáo viên chia sẻ: “Tôi tha thiết mong đất nước mình có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Điện thoại quá ảnh hưởng đến tập trung của học sinh, làm học sinh xao lãng, gây gổ mâu thuẫn trên mạng rồi dẫn đến đánh nhau ngoài đời thực. Giáo viên chúng tôi rất cần một hành lang pháp lý để thực hiện cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học”.
Đã đến lúc Bộ GDĐT cần có những khảo sát từ phụ huynh, thầy cô để đưa ra quyết định mang tính toàn quốc về chuyện sử dụng điện thoại của học sinh. Công nghệ là để hỗ trợ con người, nhưng trong quá trình học tập, học sinh cần có những tương tác trực tiếp với giáo viên, với các bạn. Đó mới là những trải nghiệm cần thiết và hiệu quả chứ không phải là sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, trong đó có những chiếc điện thoại thông minh.