A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những tín hiệu tích cực ngay từ tháng đầu tiên của năm.

 

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất

Tình hình giải ngân vốn của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và đầu tư chất lượng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 1,2 tỷ USD trong tháng 1, tăng gần gấp rưỡi về số dự án và tăng gấp 3 lần về vốn so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, tình hình giải ngân vốn của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và đầu tư chất lượng cao.

Dự kiến đến giữa năm nay, xưởng thứ 3 sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty JA SOLAR Việt Nam, với quy mô hơn 20 ha với vốn đầu tư gần 100 triệu USD, sẽ đi vào hoạt động, giúp tăng gấp đôi tổng công suất, đáp ứng nhu cầu của các đối tác tại châu Âu và Hoa Kỳ.

"Với 3 nhà xưởng, chúng tôi đã hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín gồm đầy đủ các khâu sản xuất nhờ sự thuận lợi trong vận chuyển và nguồn nhân lực chất lượng cao. Quỹ đất và hạ tầng đồng bộ đầy đủ, thời gian giao đất sớm, phù hợp với yêu cầu triển khai dự án sớm của các dự án đầu tư như chúng tôi", ông Zheng Si Hua, Phó Tổng Giám đốc JA SOLAR Việt Nam, chia sẻ.

Nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam đang tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy quỹ đất của các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh… lên tới 85 - 90%. Nhiều địa phương đang tạo thêm nhiều quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng… để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thành lập mới hoặc mở rộng từ 1 - 2 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để chúng tôi tạo những quỹ đất sạch thu hút đầu tư", ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết.

Theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu SSI Research, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN, thấp hơn từ 30 - 36% so với Indonesia và Thái Lan. Bện cạnh đó, cơ sở hạ tầng hỗ trợ kết nối khu công nghiệp tiếp tục được cải thiện.

"Báo cáo gần nhất của chúng tôi về môi trường đầu tư tại Việt Nam cho thấy, những lo lắng nhất định trong bối cảnh bất ổn, các nhà đầu tư nói chung phải cân nhắc, tính toán hiệu quả từng đồng vốn bỏ ra vào lúc này. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, đa phần các doanh nghiệp sẽ tự tin mở rộng đầu tư tại Việt Nam nhờ chính sách thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt", ông Dominik Meichle, Thành viên Ban Lãnh đạo, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, thông tin.

Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng nhận định, trong bối cảnh vốn FDI đăng ký mới trên toàn cầu giảm tốc vào cuối năm 2022, năm nay có thể là một năm gặp nhiều thách thức đối với dòng đầu tư ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi rủi ro suy thoái toàn cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội