Thủy văn thuận lợi, doanh nghiệp thủy điện báo lãi lớn trong năm 2022
Nhờ diễn biến thuận lợi về thuỷ văn, nhu cầu tăng cao và giá bán đi lên, doanh nghiệp thuỷ điện đã có một năm kinh doanh vượt xa kỳ vọng.
Mặc dù trong quý cuối cùng của năm 2022 có tới một nửa số doanh nghiệp thuỷ điện báo lãi sụt giảm nhưng ngành thủy điện vẫn khép lại một năm ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ.
Về doanh thu, dẫn đầu toàn ngành là Vĩnh Sơn - Sông Hinh, nhờ tình hình thuỷ văn thuận lợi mà kết thúc năm 2022, VSH có doanh thu thuần đạt 3.085 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 - Đây cũng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng về doanh thu tốt nhất trong ngành.
Nhờ doanh thu tăng cao nên các doanh nghiệp ngành thuỷ điện cũng đồng loạt báo lãi lớn trong năm 2022. Dẫn đầu về lợi nhuận thuộc về ông lớn Đa Nhim - Hàn Thuận - Đa Mi với mức LNTT đạt 1.819 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và cũng là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên mức tăng trưởng ấn tượng nhất thuộc về Thuỷ điện Hủa Na (HNA). Kết thúc năm 2022, HNA lãi trước thuế 615 tỷ đồng – cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ - Đây cũng là con số lãi cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của HNA. Tiếp đó là các khoản lãi tăng gấp 3 lần so với năm ngoái của VSH và SBM.
Giải trình của các doanh nghiệp thủy điện cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua phần lớn đều đến từ yếu tố thuỷ văn, nhờ lượng nước mưa lớn đổ về hồ công ty.
Bên cạnh đó, ngoài yếu tố thủy văn, nền kinh tế trong nước dần phục hồi cũng giúp lượng tiêu thụ điện tăng. Theo VDSC, trong 10 tháng đầu, các nhà máy thủy điện đã được huy động với sản lượng tăng 30% so với cùng kỳ, nhờ lợi thế cạnh tranh về mức giá thấp; trong khi nhóm nhiệt điện mất đi lợi thế cạnh tranh khi giá than, khí tăng mạnh và neo ở mức cao.
Nhờ lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần cũng giúp các doanh nghiệp thuỷ điện vượt xa kỳ vọng lãi cả năm 2022 mà cổ đông mong đợi.
Đáng chú ý biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy điện đều tăng cao, hầu hết đạt từ 40% trở lên do giá phát điện cao hơn. Biên lợi nhuận gộp trung bình của nhóm này trong năm 2022 đạt 62,5%, cao hơn nhiều so trung bình của năm 2021 (khoảng 55%). Trong đó TBC, ND2 thậm chí còn đạt biên lãi gộp trên 70%.
Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp thủy điện có cơ cấu tài chính lành mạnh. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thủy điện tương đối thấp, đặc biệt với các doanh nghiệp không có nhà máy mới vận hành trong những năm trở lại đây.
Mới đây, VDSC dự đoán mức tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5-5% do triển vọng sản xuất công nghiệp thâm dụng điện trong nước dự kiến giảm tốc vì ảnh hưởng bởi chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu.
Trạng thái La Nina dự kiến yếu dần trong quý 1/2023 và chuyển qua trung tính từ giữa năm theo dự báo của NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ). Với việc La Nina suy yếu, nhóm thủy điện dự kiến nhường dư địa huy động cho nhóm nhiệt điện. VDSC cho rằng điện than sẽ củng cố vai trò trong 2023 với lợi thế cạnh tranh nghiêng về nhóm nhiệt điện có sử dụng than hỗn hợp (kết hợp than nhập và than nội).
Trần Dũng
Nhịp sống thị trường