TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường phát hiện hơn 450 vụ vi phạm trong tháng 8
Tính trong kỳ báo cáo tháng 8/2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 511 vụ, phát hiện 452 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng.
Ngày 11/9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có thông tin về các hoạt động triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động buôn bán, giao dịch thương mại, trong tháng 8 năm 2024.
Theo đó, trong tháng 8, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác. Đơn vị chú trọng các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vàng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, các đơn vị cũng chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của Quản lý thị trường.
Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra về thương mại điện tử, trong đó trọng tâm triển khai kế hoạch công tác về thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2024.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra tại cơ sở (Ảnh: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh). |
Kết quả, về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tổng số 511 vụ việc (tăng 96 vụ so với tháng trước), phát hiện 452 vụ vi phạm. Trong tháng, lực lượng đã xử lý 428 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền trên 10,2 tỷ đồng. Trong đó ,tiền thu phạt hành chính trên 9,8 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu và tiền phạt thu lợi bất hợp pháp trên 400 triệu đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy trên 2,6 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 8/2024, lực lượng Quản lý thị trường tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận/huyện, TP. Thủ Đức đã kiểm tra 196 vụ, có 13 vụ vi phạm.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay cơ bản đã ổn định, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh nhưng lượng cung xăng dầu vẫn đầy đủ để phục vụ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi ngưng bán hàng không có lý do chính đáng, hành vi găm hàng, kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, dự báo tình hình giá cả hàng hóa sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản, cần phải kiểm soát kĩ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng.
Ngoài ra, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: Dược phẩm, thực phẩm, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, xăng dầu, đường cát, vàng trang sức mỹ nghệ,… và một số nhóm hàng hóa thiết yếu khác.
Đặc biệt, trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2024 cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em, đường nhập lậu từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam và mặt hàng thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như duy trì việc phân công công chức giám sát chặt chẽ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, UBND Thành phố, Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường Thành phố.
Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: Xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,... tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra nội bộ và tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Thành phố nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Quản lý thị trường Thành phố để hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu năm 2024.