Hà Nội: Rau xanh, thịt lợn đắt hàng trước bão số 3
Lo ngại cơn bão số 3 gây mưa lớn, nhiều người tiêu dùng tranh thủ trước khi bão về đã mua thực phẩm tích trữ; rau xanh, thịt lợn đắt hàng trước bão số 3.
Thực phẩm tại chợ tăng nhẹ
Thông tin về cơn bão số 3 có khả năng mạnh lên thành siêu bão khiến nhiều bà nội chợ đổ xô mua thực phẩm. Thông thường vào tầm gần trưa, nhiều phản thịt lợn của các tiểu thương vẫn còn, nhưng hôm nay, sự tấp nập từ sáng sớm, hàng hóa hầu như không còn.
Nguời tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ dân sinh Hà Nội sáng 6/9 (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Không chỉ hàng thịt, các quầy hàng rau quả cũng đắt khách. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, giá cả hàng hóa tăng nhẹ. Cụ thể, giá rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 22.000 – 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền 10.000 - 15.000 đồng/mớ; quả lặc lè 40.000 đồng/kg; bắp cải 25.000 đồng/kg; cà chua 45.000 đồng/kg; các loại rau gia vị khá đắt, từ 3.000 – 5.000 đồng/mớ.
Giá thịt lợn khoảng 120.000 – 160.000 đồng/kg, trong đó, thịt nạc vai từ 140.000 – 160.000 đồng/kg; trứng gà 35.000 đồng/10 quả (bình thường khoảng 32.000 đồng/10 quả). Một số phản thịt hết hàng từ 9h sáng nay, các hàng thịt gà, thịt bò cũng rất đắt khách. Trưa 6/9, chị Hoa – tiểu thương chợ Kim Liên tranh thủ mua thêm một con lợn về bán. Chị Minh Thu – tiểu thương bán trứng tại chợ Hoàng Mai cho biết, chỉ trong buổi sáng, chị đã bán hết 20 khay trứng, khách hàng thường mua từ 10 – 20 quả.
Anh Lê Hiệp (quận Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ đi mua ít gạo và ít trứng. Những ngày thường, tầm sớm 6h30-7h thì cửa hàng không đông, nhưng hôm nay cửa hàng đông khách hơn ngày thường. Các mặt hàng được mua nhiều là gạo, lạc và trứng.
Còn theo chị Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sáng sớm chị tranh thủ mua ít rau xanh, thấy nhiều người cũng đi mua thực phẩm phòng bão.
Một số người tiêu dùng cũng khá bất ngờ bởi sức mua trong sáng nay. "“Sáng nay đi chợ đã thấy 'bão' quét chợ qua rồi”. “Không đến mức phải mua dự trữ đâu, mưa ngập thì 2 ngày là cùng”", một số ý kiến được đưa ra tại diễn đàn pagebook.
Các siêu thị chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ người dân
Không chỉ ở các chợ dân sinh, tại các siêu thị, sức mua có tăng. Theo đại diện Central Retail Việt Nam, siêu thị GO!, Big C miền Bắc đã tăng thêm thời gian mở cửa tới 23h (tối qua và hôm nay), thay vì 22h như ngày thường để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Bên cạnh đó, GO!, Big C chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau củ quả tươi sống (hàng thiết yếu), đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nguời tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long sáng ngày 6/9 (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Trong ngày 05/09 – 06/09, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng mạnh so với ngày thường. Khách hàng chủ yếu mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: Rau củ quả, cá thịt, mì tôm, gạo… Đặc biệt đối với AEON Hải Phòng, do vị trí gần biển chịu ảnh hưởng nhiều từ bão nên sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng, AEON Việt Nam đã dự trữ sẵn nguồn hàng cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, đồng thời, tăng cường bố trí nhân sự đầy đủ tại tất cả các trung tâm và siêu thị, nhân viên khối văn phòng cũng tập trung hỗ trợ trưng bày hàng hóa, hỗ trợ khách hàng mua sắm.
Để đáp ứng đầy đủ nguồn hàng hóa và đồng hành cùng người dân an tâm mua sắm, AEON Việt Nam đã chủ động lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp để đáp ứng đủ nguồn cung hàng hóa trong thời gian bão cũng như sau đó, đảm bảo giá cả ổn định.
Tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng dự trữ gấp 2 - 3 lần ngày thường (đặc biệt là với các mặt hàng đồ tươi sống) nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cho các sản phẩm: Gạo, mỳ tôm các loại, rau, củ, quả các loại, thịt, cá, đồ đông lạnh, sữa uống các loại.
Bên cạnh đó, AEON cũng tập trung vào một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như: Đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần. Những sản phẩm này được trưng bày ở những vị trí thuận tiện dễ nhìn, dễ lấy để khách hàng dễ dàng tìm thấy.
Đồng thời, AEON đã tăng sản lượng lưu trữ tại các trung tâm phân phối (kho trung chuyển) để khi có nhu cầu có thể kịp thời đáp ứng, cung cấp cho các siêu thị.
Ngoài ra, để giúp khách hàng thuận tiện mua sắm trong tình hình thời tiết bất lợi, khách hàng có thể chọn đa dạng kênh mua sắm của AEON Việt Nam. Tất cả các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị của AEON được mở cửa bình thường. Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể mua hàng qua điện thoại, qua kênh thương mại điện tử AEON EShop với hàng hóa đa dạng và đầy đủ sản phẩm thiết yếu. Các kênh online như facebook, zalo của AEON Việt Nam cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng chuẩn bị cho bão.
Khách hàng mua thực phẩm tại MM Mega Maket (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Sáng ngày 6/9, các mặt hàng có sức mua mạnh tại siêu thị WinMart như: Thực phẩm tươi sống (thịt, đặc biệt thịt MEATDeli, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu như bầu, bí), các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám Đốc Chuỗi WinMart - cho biết, tại siêu thị WinMart Thăng Long, lượng hàng nhập về tăng từ 200 - 300%, lượng khách đến siêu thị mua sắm sáng nay (6/9) tăng 300% so với ngày thường.
Với tình hình bão ảnh hưởng tới khu vực miền Bắc, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết WinMart đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ như: Điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong trường hợp bão làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm về điểm bán, đưa ra các biện pháp đối phó như thay thế nguồn hàng nhưng vẫn qua quy trình kiểm soát để đảm bảo chất lượng.
“Ví dụ, đối với 2 nguồn hàng chính cung cấp rau lá là nông trường WinEco ở Hải Phòng và Quảng Ninh nên WinMart đã nhanh chóng huy động thêm nguồn hàng từ WinEco và các nhà cung cấp khác tại Lâm Đồng” - ông Dũng nói.
Chuỗi siêu thị WinMart vẫn duy trì thời gian hoạt động bình thường trong các trung tâm thương mại từ 8h sáng đến 22h và các siêu thị WinMart nằm ngoài trung tâm thương mại mở cửa từ 7h sáng đến 22h hàng ngày.
Về sự hạn chế phương tiện ngày mưa bão, ông Dũng cho hay, WinMart đã và đang kết nối thường xuyên với khách hàng thông qua chương trình khách hàng thân thiết “Hội viên WiN” và giao hàng qua “Đi chợ online” trên winmart.vn nên sẽ chủ động phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống của WinCommerce còn có trên 1.000 cửa hàng WinMart+/WiN ở miền Bắc, vị trí tại các chung cư và gần khu dân cư, nên sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách, cũng như sẽ đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm cho khách hàng hơn nữa.