A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường bánh, kẹo Tết Nguyên đán 2024: Thương hiệu Việt lên ngôi

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, thị trường bánh kẹo Tết hiện đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Hàng nội "hút" khách

Đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bánh, mứt, kẹo trở nên sôi động. Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới dành riêng cho dịp Tết mang đậm màu sắc truyền thống.

Thị trường bánh, kẹo Tết Nguyên đán 2024: Thương hiệu Việt lên ngôi
Các sản phẩm bánh, mứt, kẹo với nhiều mẫu mã đa dạng đã được bày bán để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại hệ thống bán lẻ Hà Nội như: Big C Thăng Long, AEON Mall, Co.opmart, Lotte Mart, WinMart… cho thấy, thời điểm này ở khu vực bán bánh kẹo đã trưng bày rất nhiều sản phẩm với sự đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và hình thức. Các kênh bán lẻ này đều ưu tiên quầy kệ cho hàng sản xuất của thương hiệu trong nước như: Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị, Hà Nội…

Các thương hiệu lớn này cũng tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Bên cạnh đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng.

Đặt vào xe đẩy mua hàng những hộp bánh cuộn kem, bánh cookies Tipo, chị Lê Thùy Dung, người mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) cho biết, thay vì mua bánh Danisa nhập khẩu từ Đan Mạch, chị lựa chọn hộp bánh Tipo với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân này.

"Năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau. Ngoài bánh kẹo, tôi cũng lựa chọn một số loại ô mai Hồng Lam hay mứt, hoa quả sấy của Vinamit để thay cho đồ khô nhập khẩu khác", chị Dung chia sẻ.

Cũng như chị Dung, anh Nguyễn Xuân Trường (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói rằng, hiện nay các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam ngày càng có chất lượng, mẫu mã cũng đẹp không thua kém so với các mặt hàng nước ngoài mà giá thành lại rẻ hơn nên khi mua sắm anh thường chọn bánh kẹo nội.

"Tôi nghĩ rằng, nếu chọn sản phẩm trong nước có chất lượng và giá mềm thì sẽ phù hợp với mỗi gia đình, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn", anh Cường nói.

Thị trường bánh, kẹo Tết Nguyên đán 2024: Thương hiệu Việt lên ngôi
Các hệ thống bán lẻ gói những giỏ quà Tết từ các sản phẩm của thương hiệu trong nước

Không chỉ ở các hệ thống siêu thị, tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, trong khoảng một tuần trở lại đây, lượng bánh kẹo đã bắt đầu được bày bán nhiều hơn.

Ông Lê Quang Đăng, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết, mặc dù trên thị trường có đầy đủ các loại bánh kẹo nhập khẩu, đa dạng về chủng loại, chất lượng, nhưng khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn bánh kẹo sản xuất trong nước.

Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.

Đánh giá cao nỗ lực đổi mới để chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để đáp ứng thị hiếu của người dân. Đến nay, có thể khẳng định nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại nhập" của người tiêu dùng. Hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng, chưa kể giá cả cũng hợp lý trong bối cảnh thu nhập ngày càng khó".

Cẩn trọng với hàng trôi nổi

Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường bánh, mứt, kẹo càng sôi động; bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi.

Khảo sát tại một số cửa hàng trên phố Hàng Buồm, có thể thấy không ít sản phẩm được giới thiệu là nhập khẩu nhưng không có tem nhãn xuất xứ, mỗi cửa hàng lại giới thiệu nguồn gốc một kiểu dù cùng mẫu mã.

Tại một số chợ nhỏ lẻ, người tiêu dùng có thể nhận ra những sản phẩm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng hoặc xen lẫn với các sản phẩm nhập khẩu, như: Damisa, Danissa, Denisa (nhái theo Danisa); Chocopai, Chocoopie, Choocopie (nhái theo Chocopie); Custad, Cusrard (nhái theo Custas); các loại bánh quy Ozeo, Oroe, Borio (nhái theo Oreo), bánh Tippo, Tjpo, Tipoo (nhái theo Tipo), Silaté, Soliite, solote (nhái theo Solite)… Nếu không quan sát kỹ, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhầm lẫn với các thương hiệu bánh có tiếng trên thị trường.

Ngoài bánh, mứt, kẹo bán tràn lan tại các chợ, trên các trang mạng xã hội facebook, zalo... cũng tràn ngập bánh kẹo Tết. Các mặt hàng này đều được các facebooker rao là hàng nhập khẩu Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, hàng nội địa Trung với màu sắc rực rỡ.

Cảnh báo tới người dân về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, đối với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người khi mua hàng hóa, đặc biệt là đồ thực phẩm như bánh kẹo cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, vì hiện nay các đối tượng tội phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái hoạt động rất tinh vi.

"Với riêng bánh, mứt, kẹo, để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất, mua bán, khu vực tập kết hàng hóa của tư thương nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm", ông Kiên nhấn mạnh.

Thông tin về hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của UBND thành phố, với mục tiêu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội