Nạn mạo danh ngân hàng lừa đảo tiếp tục hoành hành
Bất chấp liên tục có những cảnh báo từ cơ quan chức năng, nạn mạo danh ngân hàng lừa đảo người dân vẫn diễn biến phức tạp. Các vụ việc đều cho thấy sự tinh vi của các đối tượng khi lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo tinh vi
Mới đây, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 300 triệu đồng với thủ đoạn tinh vi.
Theo đó, vào ngày 8.5.2022, anh Đ (SN 1982; trú tại Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh đã đồng ý làm thủ tục vay.
Sau đó, anh Đ phải đóng 6 triệu đồng để được làm hợp đồng. Tuy nhiên, các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại. Sau khi gửi lại, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng. Chờ mãi không thấy giải ngân, anh Đ lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hàng tháng.
Tổng số tiền anh đã chuyển 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền.
Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Trước đó, vào đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng trong đường dây giả danh nhân viên ngân hàng VP Bank lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng lừa đảo gần 700 bị hại bằng chiêu thức nâng hạn mức thẻ tín dụng...
Các ngân hàng cảnh báo
Agribank đưa ra 2 cách thức trong những vụ việc như vậy. Theo đó, cách thức thứ nhất, đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lí do kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng bằng cách đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ, sau đó yêu cầu đọc mã OTP gửi vào tin nhắn để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cách thức thứ hai, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có người chuyển nhầm vào tài khoản khách hàng, hướng dẫn khách hàng thủ tục hoàn trả bằng cách ấn vào đường link và điền thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.
Bộ Công an gần đây cũng thông báo về hiện tượng các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: Họ tên, số điện thoại, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân… phục vụ làm hồ sơ vay.
Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lí do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…).
Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: Đăng kí sim không chính chủ, ví điện tử phục vụ lừa đảo...