A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số ngành ngân hàng, tập trung vào ứng dụng dữ liệu dân cư

Phát biểu khai mạc Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 18/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực.

Sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định 810/QĐ-NHNN), hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã đạt được thành tựu trên nhiều mặt. NHNN đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể hướng tới việc ứng dụng dữ liệu dân cư để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023” 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023” 

Trong hoạt động chuyển đổi số, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

Thống đốc cho biết, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới;

Đáng chú ý, khoảng 74,63% người trưởng thành hiện nay đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4,...

“Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”

Không chỉ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành ngân hàng là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).

Thống đốc cho biết, hiện nay, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin về tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.

Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư;…

Trong thời gian qua, hệ thống các NHTM đã và đang triển khai các giải pháp chuyển đổi số khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư . Đơn cử như tại Vietcombank, trên cơ sở đồng ý của khách hàng, Vietcombank thí điểm kết nối hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực/định danh khách hàng qua VNeID và nghiên cứu ứng dụng Mô hình chấm điểm tín dụng công dân như là một yếu tố tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản cho vay tiêu dùng/phát hành thẻ tín dụng giá trị nhỏ cho khách hàng trên kênh ngân hàng số (VCB Digibank).

Thay vì phải chuẩn bị hồ sơ và đến ngân hàng để làm các thủ tục vay như trước đây, với giải pháp này, khách hàng có thể được phê duyệt khoản vay tín chấp/phát hành thẻ tín dụng ngay nếu đáp ứng điều kiện như: Định danh và xác thực qua VneID; Điểm tín dụng công dân và một số tiêu chí khác chứng minh khả năng trả nợ của mình.

Với kết nối thông suốt, việc cấp tín dụng online ứng dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại cho khách hàng các lợi ích như: Thời gian xử lý nhanh chóng; giao dịch mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại di động kết nối internet, không phụ thuộc vào giờ đóng/mở cửa của ngân hàng; tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp từ các NHTMCPNN mà không phải tìm đến các nguồn tài trợ vốn không chính thống trên thị trường.

Phó Tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết, với VietinBank, việc đọc và trả dữ liệu chính xác từ chip CCCD sẽ giảm thiểu được các bước sai sót trong thông tin trên giấy tờ tùy thân được hệ thống trích xuất thông qua nhận dạng ký tự quang học. Hình thức tích hợp trên sẽ giúp giảm thiểu công tác hậu kiểm (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều...) tiết giảm chi phí và thời gian của cả khách hàng và ngân hàng.

Phó Tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng chia sẻ, sức mạnh vượt trội của dữ liệu Big Data, ngân hàng đã cải tiến quy trình cho vay trở nên nhanh hơn, an toàn hơn dựa trên việc sử dụng đa dạng dữ liệu. Cụ thể, ngân hàng sử dụng dữ liệu tín dụng để đánh giá lịch sử tín dụng của người vay (dư nợ vay, lịch sử trả nợ, tài sản đảm bảo...); Dữ liệu nội bộ để đánh giá năng lực tài chính, dòng tiền, hành vi và thói quen chi tiêu... Các dữ liệu khác cũng đã hỗ trợ ngân hàng trong việc đánh giá năng lực vay và trả nợ của khách hàng. Trong tương lai gần, ngân hàng sẽ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cải thiện tốt hơn nữa tốc độ xử lý hồ sơ, độ chính xác của quyết định cho vay... khi dữ liệu được cập nhật và làm sạch.

Dù ngành ngân hàng đã và đang đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng theo Thống đốc, NHNN tiếp tục chú trọng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngân hàng số. Trước mắt, ưu tiên các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định hiện tại, rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng. Hiện NHNN đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); rà soát, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến bổ sung các quy định để triển khai chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội