A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó xử lý triệt để sở hữu chéo ngân hàng

Mối lo ngại tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm.

Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng. Thông qua sở hữu chéo, những thành viên trong HĐQT ngân hàng có thể có những chấp thuận đối với các gói tín dụng vượt khỏi mọi quy định. Để hợp thức hoá các khoản tín dụng này, họ sẽ phải lách quy định bằng cách này hay cách khác.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Pháp luật không cấm cá nhân, doanh nghiệp sở hữu cổ phần ở một ngân hàng, một tổ chức tín dụng, nhưng chỉ được sở hữu ở một mức độ nhất định. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng rốt ráo xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vẫn còn mối lo về vấn đề lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt mức quy định tại các ngân hàng hay còn gọi là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng, dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu minh bạch..

Phát biểu tại Quốc hội, một số đại biểu còn nhấn mạnh, đằng sau mỗi ngân hàng đều có nhiều đại gia "chống lưng" và cứ nhìn vào một ngân hàng thì sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp bất động sản phía sau. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty tài chính, doanh nghiệp bất động sản, có sự "lách luật" về tỷ lệ sở hữu, lách cả hạn mức tín dụng cho một số doanh nghiệp...

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung đánh giá, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, tập đoàn kinh tế tư nhân.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu các ngân hàng có sự tác động, chi phối bởi cổ đông hoặc nhóm nào đó đổ vốn vào những lĩnh vực có rủi ro rất cao như BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể làm xáo trộn các thị trường.

Điều này đã từng nhìn thấy ngay tại Việt Nam trong giai đoạn những năm 2008-2010, một số ngân hàng dồn vốn cho các doanh nghiệp vay để đầu tư BĐS tạo ra hiện tượng bong bóng BĐS, cuối cùng khi bong bóng vỡ thì không chỉ các ngân hàng đó mà cả nền kinh tế hàng bao nhiêu năm không giải quyết xong nợ đọng, nợ xấu.

Vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định để rồi chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rõ qua các đại án như Hứa Thị Phấn tại Trustbank, Phạm Công Danh tại VNCB hay Hà Văn Thắm tại Oceanbank…  Các vụ việc xảy ra trước đây tại 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CB (Ngân hàng Xây dựng) dẫn đến NHNN phải mua bắt buộc với giá 0 đồng cũng có nguyên nhân một phần là do sở hữu chéo. Do đó, theo các chuyên gia, cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc qui mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây.

Sửa Luật có ngăn được sân trước, sân sau?

Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, năm 2023, NHNN tập trung thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng. Cùng với việc tập trung thanh tra chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần ngân hàng, NHNN đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 việc cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng…).

 

Nội Thực tế vẫn tồn tại cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh HĐQT để điều hành, nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động ngân hàng. Do đó cần bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của NHNN để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là, phải có thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng. (Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung)

"NHNN đã tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý việc sở hữu chéo. Hiện nay không còn trường hợp sở hữu chéo mà chúng ta phát hiện trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, trong thực tế có thể đứng tên hộ, nhờ người khác" - Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu và cho rằng, phải có sự phối hợp, đánh giá giữa các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tại Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, các quy định về ngăn sở hữu chéo và tăng tính đại chúng của một ngân hàng trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về cơ bản đáp ứng được thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các quy định này thì chưa đủ, do cấu trúc sở hữu ngân hàng ở nước ta quá phức tạp trong khi thanh tra, giám sát ở Việt Nam còn yếu. Trong khi đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc sở hữu chéo giữa các công ty trong lĩnh vực khác, NHNN không có thông tin cũng như không có công cụ để kiểm soát.

Giải pháp thời gian tới, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu, thứ nhất là hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Giải pháp thứ hai Phó thủ tướng nêu là phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, phải đủ năng lực và cũng phải triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, hết sức trọng tâm, trọng điểm. Tiếp theo, Phó thủ tướng cho rằng hệ thống kiểm toán nội bộ phải tự phát hiện ra cho vay lệch chuẩn thì phải xử lý kịp thời trong nội bộ của ngân hàng và NHNN xem các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một cánh tay nối dài của thanh tra NHNN để xử lý.

 

Phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, đảm bảo các ngân hàng tuyệt đối tuân thủ quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. NHNN cần có cơ chế giám sát hành vi cho vay sai trái, đồng thời tăng chế tài xử phạt. (LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội