Một lỗ hổng ngày càng bị đục khoét sâu của nền kinh tế Mỹ, chuyên gia lắc đầu: “Mọi thứ chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới”
Các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang tạm đóng cửa hoặc phải điều chỉnh giờ làm việc khi số người Mỹ bị nhiễm Covid-19 đạt mức cao nhất mọi thời đại. Điều này có thấy mức độ gián đoạn mà biến thể Omicron đã lan tràn sang nền kinh tế như thế nào.
Các hãng hàng không, nhà bán lẻ, các nhà hàng, bệnh viện và khu trường học cho biết họ đang vật lộn để duy trì đủ số nhân viên. Làn sóng lây nhiễm hiện tại đã làm cho tình trạng thiếu lao động càng thêm trầm trọng. Nhiều nhân viên bị ốm hoặc bị yêu cầu ở nhà để cách ly.
Theo phân tích của nhà kinh tế cấp cao Andrew Hunter của công ty Capital Economics, hơn 5 triệu người Mỹ, tương đương 2% tổng lực lượng lao động của cả nước, có thể bị cách ly tại nhà trong tuần này.
Hunter cho biết: "Biến thể Omicron ít gây nguy hiểm chết người hơn so với các chủng trước đó, nhưng ngay cả khi không tái áp dụng các hạn chế để giảm thiểu sự lây lan, số lượng lớn các ca mắc mới vẫn có thể gây ra một tác động đáng kể cho nền kinh thế trong một hoặc hai tháng tới".
Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã phàn nàn về tình trạng thiếu nhân công, đặc biệt là những công việc đòi hỏi phải làm việc trực tiếp. Nhiều công ty đã hoạt động với số nhân viên ít hơn bình thường. Sau đó, biến thể Omicron với khả năng lây lan cao xuất hiện, tạo ra một làn sóng lây nhiễm trên khắp đất nước, buộc một số công nhân còn lại phải cáo nghỉ.
Các hãng hàng không là một trong những doanh nghiệp đầu tiên điều chỉnh hoạt động của mình. Họ đã huỷ hàng nghìn chuyến bay từ khi Giáng sinh cho đến năm mới. Nguyên nhân là do thời tiết xấu và đoàn bay dương tính với Covid-19.
Hãng hàng không United Airlines hôm 11/1 cho biết 3.000 thành viên phi hành đoàn có kết quả dương tính với Covid-19, buộc hãng phải huỷ thêm nhiều chuyến bay. Giám đốc điều hành Scott Kirby cho biết chỉ trong một ngày tại Newark, gần 1/3 lực lượng lao động của hãng bị nhiễm bệnh.
Nhiều hãng hàng không của Mỹ đã bị ảnh hưởng. Từ ngày 23/12 đến ngày 8/1, United hủy 9% các chuyến bay, Southwest hủy 8%, Delta 5% và American 4%. Nhà phân tích Savanthi Syth của Raymond James cho biết, trong tháng đầu năm 2021, United Airlines, JetBlue Airways, Frontier, Alaska và Spirit đã cắt giảm lịch bay nhiều nhất trong số các hãng hàng không.
United Airlines đã đồng ý trả gấp 3 lần tiền lương cho các phi công để họ tăng ca làm việc trong tháng đầu năm. Hãng hàng không Spirit cũng đã tăng gấp đôi tiền lương cho các tiếp viên hàng không trong khoảng thời gian từ ngày 28/12 đến ngày 4/1.
Tình trạng thiếu nhân viên cũng buộc các nhà bán lẻ như Walmart và Nike phải cắt giảm giờ làm việc. Cừa hàng bách hoá Macy’s giảm giờ làm việc các ngày trong tuần tại tất cả các cửa hàng trong tháng 1.
Starbucks cũng đang điều chỉnh giờ mở cửa. Đại diện Starbucks tuyên bố khi cửa hàng gặp phải tình trạng thiếu nhân viên tạm thời, giờ làm việc sẽ được cắt giảm để đảm bảo sức khoẻ và tinh thần của người lao động.
Calvin McDonald, giám đốc điều hành nhà sản xuất quần áo thể thao của Canada Lululemon, cho biết "lượng nhân viên hạn chế và giờ làm việc bị cắt giảm ở một số địa điểm" là một phần nguyên nhân dẫn đến doanh thu thấp hơn dự kiến trong quý IV năm 2021.
Suzanne Clark, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết rằng các thành viên cũng lo ngại về tác động của tình trạng thiếu nhân sự ngắn hạn sẽ gây ra trong dài hạn.
Sự gián đoạn không chỉ giới hạn ở khu vực tư nhân. Nhiều trường học cũng đang vật lộn để tìm đủ giáo viên. Học khu Parkrose ở Portland, Oregon, đã đóng cửa vào ngày 10/1 với lý do thiếu nhân viên. Họ sẽ mở cửa trở lại để dạy học trực tuyến cho đến ngày 21/1.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết, gần ¼ số bệnh viện ở Mỹ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Sở Y tế New York đã yêu cầu cho 40 bệnh viện của bang ngừng các hoạt động khám chữa bệnh không cấp thiết trong hai tuần vì số lượng giường bệnh có hạn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã rút ngắn thời gian cách ly được khuyến nghị từ 10 ngày xuống còn 5 ngày trong tháng trước với hy vọng giảm bớt tình trạng thiếu nhân sự. Nhưng các báo cáo về gián đoạn kinh doanh do đại dịch vẫn tiếp diễn.
Hunter của Capital Economics dự đoán: "Mọi thứ chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới".
Tham khảo Financial Times