Chính sách & thực tế
Kinh phí dự kiến dành riêng cho chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động là 4.500 tỷ đồng; thế nhưng sau 10 tháng triển khai, mới giải ngân được… 17,1 tỷ đồng. Nghĩa là chủ trương có, chính sách có, quy định có, tiền có; nhưng người lao động vẫn chưa được hưởng.
Ảnh minh họa.
Chính sách trên nằm trong nhóm 12 chính sách tổng thể thuộc Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) ban hành ngày 1/7/2021. Để được hỗ trợ, doanh nghiệp (DN) cần đáp ứng điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên cho lao động tính đến thời điểm đề nghị; thay đổi cơ cấu công nghệ; doanh thu giảm 10% trở lên... Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng/lao động, tối đa 6 tháng. Nghĩa là mỗi trường hợp có thể hưởng tới 9 triệu đồng, một con số không nhỏ so với các chính sách khác.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết tới nay các địa phương mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoặc xin hướng dẫn của 200 DN. Trong đó, 60 DN gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho hơn 30.000 lao động. Sở LĐ-TB&XH của 14 tỉnh, thành phê duyệt hỗ trợ cho 36 DN đào tạo lại gần 9.000 người, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.
Song thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) tới 17/5 cho thấy cơ quan BHXH của 12 tỉnh, thành mới nhận hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 DN được địa phương phê duyệt. Thực tế, phía BHXH mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng (đạt 0,38%), chi đào tạo cho 4.000 người lao động.
Cơ quan này đánh giá việc triển khai chậm, phát sinh vấn đề như danh sách người lao động được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo. Một số lao động đã nghỉ việc nên DN phải làm lại hồ sơ, tốn kém thời gian.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thừa nhận tỷ lệ giải ngân rất thấp so với dự kiến ban đầu, dù Tổng cục đã tổ chức khoảng 30 buổi làm việc với địa phương, DN để triển khai.
Vì sao thực tế lại khác với kỳ vọng đến vậy? Theo quy định, hạn nộp hồ sơ là 30/6 và thời gian triển khai đến hết 31/12. Có ý kiến đánh giá từ nay đến cuối năm chính sách chưa chắc đạt mục tiêu khi chỉ còn hơn một tháng nhận hồ sơ đăng ký và 6 tháng đào tạo. “Thời gian gấp rút chẳng khác nào đánh đố DN”, một ý kiến cho hay.
Còn có lý do khác khiến DN không mặn mà với chính sách này. Giai đoạn này, các Cty phải tập trung phục hồi sản xuất để bù thời gian giãn, dừng hoạt động do phòng chống dịch. DN vừa và nhỏ khó chứng minh doanh thu giảm hoặc thay đổi công nghệ sản xuất vì túi tiền có hạn, trong khi một năm qua vừa sản xuất vừa tốn kém chi phí chống dịch. Có chủ DN lo ngại khi đào tạo xong, lao động có thể nghỉ tìm việc khác tốt hơn; ngại kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi nhận hỗ trợ.
Lãnh đạo một số trường nghề lẫn DN phân tích, quy định nghe qua rất dễ nhưng thực tế triển khai rất khó, kéo dài 2-3 tháng mới xong một bộ hồ sơ. Mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau nên DN phải xin ý kiến khắp nơi, giải trình nhiều lần mới được phê duyệt. Lúc DN cần thì không được duyệt, khi được duyệt rồi thì dịch được khống chế, phải tập trung phục hồi sản xuất, “chạy” cho kịp đơn hàng nên không thể tổ chức đào tạo. Thế khó của DN là vẫn phải sản xuất kinh doanh, nên nếu đào tạo lại cần xây dựng chương trình phù hợp, linh hoạt với điều kiện từng nơi.
Ngày 19/5 vừa qua, Thủ tướng đã có Công điện 431/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy với chính sách này, nên chăng cần kéo dài thời gian thực hiện tới hết năm 2023, bỏ quy định DN phải chứng minh phương án duy trì việc làm vì cũng không thể giữ chân khi lao động nghỉ việc; và cấp có thẩm quyền cần tính tới tinh giản điều kiện, hồ sơ nếu muốn chính sách này dễ đi vào thực tế hơn.