A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển vật liệu xây dựng mới

Với nhu cầu về số lượng vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn, nhưng Hà Nội thiếu nguồn nguyên liệu hoặc điều kiện khai thác..., nên việc phát triển các loại vật liệu mới, tái chế, tận dụng phế thải cần được ưu tiên đầu tư.

Hạn chế nguồn cung

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cũng như trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia, có những tiềm năng lợi thế nhất định trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực VLXD do nguồn khoáng sản làm vật liệu không nhiều, hạn chế về khả năng khai thác nên việc phát triển lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về vật liệu cho các công trình xây dựng, giao thông, nhiều chủng loại vật liệu.

Hà Nội phải sử dụng nguồn cung cấp từ các tỉnh lân cận như: đá xây dựng (từ Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình...); gạch không nung (từ Bắc Ninh, Hà Nam...; cát xây dựng (từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...); xi măng (từ Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An...); một số sản phẩm VLXD khác như thép, kính hay vật liệu hoàn thiện, trang trí cũng sử dụng từ nguồn sản xuất và cung cấp từ các tỉnh lân cận hoặc từ nước ngoài.

Hà Nội khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới. Ảnh: Thành Luân

Hà Nội khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới. Ảnh: Thành Luân

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia (Vành đai 4).

Vì vậy, nhu cầu một số loại vật liệu phục vụ các dự án này cần số lượng rất lớn, chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt với các loại vật liệu rời (đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp) phải nhập từ các tỉnh lân cận.

Do vậy, về lâu dài, Hà Nội rất cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, xanh, bền vững. "Để phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành công nghiệp VLXD của TP, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hiện có, trong thời gian tới cần có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn bài bản; xây dựng định hướng phát triển công nghệ, thiết bị để tiết kiệm nhiên liệu, hướng tới thân thiện môi trường; thay thế vật liệu truyền thống" - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ.

Về thực trạng sản xuất - cung ứng VLXD, công tác quản lý trên địa bàn, đại diện Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng) cho biết, Hà Nội đã sản xuất được các chủng loại sản phẩm VLXD như xi măng, vật liệu xây nung và không nung, vật liệu lợp, cát xây trát và san lấp, đá xây dựng, đá ốp lát, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, vật liệu lợp, kính xây dựng, bê tông và các loại vật liệu trang trí hoàn thiện. Trong đó một số chủng loại là gia công chế biến như: đá ốp lát tự nhiên, kính xây dựng, tấm thạch cao...

Các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội đã và sẽ phát triển như sứ vệ sinh, đá ốp lát nhân tạo và các vật liệu trang trí hoàn thiện. Trình độ công nghệ sản xuất VLXD của Hà Nội cùng với mặt bằng chung của cả nước và tiếp cận được với trình độ các nước trong khu vực và quốc tế, một số chủng loại có công nghệ sản xuất thuộc loại tiên tiến so với thế giới. Hà Nội là TP có ngành công nghiệp sản xuất VLXD không quá phát triển.

Một trong những khó khăn đó là không có nguồn nguyên liệu hoặc không có điều kiện khai thác. Nhu cầu sử dụng VLXD lại rất lớn về số lượng (khoảng 15% nhu cầu cả nước) khắt khe về chất lượng và yêu cầu thẩm mỹ cao. Thị trường rất phát triển, tuy nhiên việc quy hoạch cũng như phương án quản lý còn bất cập cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

"Hà Nội không có nhiều tài nguyên khoáng sản dùng để sản xuất VLXD, những khu vực có khoáng sản thì thường vướng vào các loại quy hoạch, đặc biệt tại khu vực vườn Quốc gia Ba Vì, rừng sản xuất, rừng phòng hộ Sóc Sơn đã được xác định là khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Đa số nguyên liệu dùng để sản xuất VLXD đều phải nhập từ tỉnh ngoài, trừ nguyên liệu sản xuất gạch nung đang tận dụng đất nạo vét sông ngòi, đất xây dựng công trình ngầm" - đại diện Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội cho hay.

Cần cơ chế tạo môi trường kinh doanh

Để phát triển các ngành vật liệu mới, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc cho biết, cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm vật liệu mới, vật liệu tiên tiến, vật liệu có giá trị kinh tế cao; VLXD sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường.

Rà soát hệ thống văn bản pháp luật, các chiến lược phát triển VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD để điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển VLXD mới trong các giai đoạn của đất nước.

Đổi mới cơ chế, chính sách về KH&CN theo hướng giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các đề tài, dự án cấp bộ, cấp Nhà nước, trong đó ưu tiên những nghiên cứu phát triển theo hướng từng bước hình thành nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư kết hợp công - tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu mới.

Theo ông Phạm Văn Bắc, DN cũng cần làm chủ công nghệ sản xuất những sản phẩm vật liệu mới. Đối với một số vật liệu mới, có công nghệ sản xuất phức tạp hoặc có vốn đầu tư lớn có thể liên doanh, liên kết, hợp tác với nước ngoài để đầu tư sản xuất.

Tái cấu trúc các DN nhỏ, siêu nhỏ thành các DN có quy mô lớn, đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng vật liệu toàn cầu. "Hỗ trợ nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, máy móc trong sản xuất, khai thác, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất VLXD, đặc biệt là VLXD mới" - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc cho hay.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai - DN chuyên sản xuất các cấu kiện bê tông cốt thép dự ứng lực đúc sẵn cho xây dựng dân dụng, công nghiệp, các công trình hạ tầng và công trình giao thông cho biết, DN có 3 nhà máy tại Xuân Mai (Hà Nội), Đạo Tú (Vĩnh Phúc), Dĩ An (Bình Dương), với hệ thống nhà xưởng sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn đạt tổng công suất hơn 3.000m2 (cột, dầm, sàn)/ ngày.

Để các loại VLXD mới được đưa vào nghiên cứu, ứng dụng, đại diện ông ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ bê tông đúc sẵn và các sản phẩm tiền chế, đơn vị áp dụng công nghệ mới như giảm thuế VAT xuống 5%.

Bộ Xây dựng, các sở xây dựng, các BQL cần có chế tài mạnh tay, từ giai đoạn thiết kế, cấp phép, nghiệm thu công trình xây dựng về việc phải áp dụng vật liệu xây không nung vào trong các công trình xây dựng. Hỗ trợ kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đào tạo, trường dạy nghề biên soạn giáo trình cũng như đào tạo giới thiệu công nghệ cấu kiện bê tông lắp ghép, công nghệ tấm tường đúc sẵn,... Ban hành thêm các hướng dẫn thi công, đưa tấm tường vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá.

 

Để ngành VLXD Hà Nội phát triển cần tiếp tục đầu tư vào việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm vật liệu mới trên toàn quốc và thị trường quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích các đơn vị quản lý và DN tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo trực tiếp và trực tuyến thông qua internet giới thiệu và bán sản phẩm VLXD mới để cập nhật thông tin và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩmPhó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội