Phân biệt trợ cấp xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp hằng tháng
Trợ cấp xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp hằng tháng là các khoản trợ cấp với đối tượng, thời gian áp dụng khác nhau.
Trợ cấp xã hội hiện đang được áp dụng. Trợ cấp xã hội là một khoản trợ cấp do Nhà nước hoặc các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) thuộc những trường hợp quy định.
Hiện nay, mức hưởng trợ cấp xã hội = Mức chuẩn trợ giúp xã hội (500.000 đồng) x Hệ số.
Trợ cấp hưu trí xã hội chính thức áp dụng từ 1.7.2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực.
Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
...
Theo đó, trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu là một loại hình bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1.7.2025).
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định có các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội sau:
- Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;
- Hỗ trợ chi phí mai táng;
- Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.Trợ cấp hằng tháng cũng sẽ chính thức được áp dụng từ 1.7.2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực.
Theo Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trợ cấp hằng tháng là chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (áp dụng từ 1.7.2025).
Cụ thể: Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nêu trên, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình theo theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.