Từ Sơn La đến Trung Đông: 9X đưa hạt cà phê "tuần hoàn" ra thế giới
Tuổi thơ gắn liền với hạt cà phê, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Thắng luôn ấp ủ ước mơ xây dựng mô hình phát triển cà phê bền vững.
Sản xuất cà phê bền vững là xu hướng tất yếu của Việt Nam và thế giới. |
Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa phát triển bền vững
“Xanh hoá” dịch vụ F&B (ngành hàng dịch vụ ẩm thực - đồ uống), đặc biệt ở các sản phẩm cà phê, đang trở thành một tiêu chuẩn mới trên toàn thế giới. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đều đang nỗ lực cải thiện để đưa ra những sản phẩm không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà còn đảm bảo một quá trình bền vững từ vườn cà phê đến tay người tiêu dùng.
Là quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tất yếu này. Theo khảo sát của Vietnam Report, 66.7% doanh nghiệp F&B cho rằng việc đáp ứng các tiêu chí đánh giá chuẩn môi trường, xã hội và quản trị có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và hiện tại, 92.6% doanh nghiệp F&B khẳng định phát triển bền vững nằm trong trọng tâm chiến lược kinh doanh 2024.
Với chàng trai trẻ Minh Thắng - nhà sáng lập thương hiệu Coffilia và giám đốc Minh Tiến Berest, mong muốn kinh doanh cà phê bền vững của anh không chỉ thể hiện trách nhiệm của một thương hiệu Việt trẻ với môi trường và xã hội mà còn đến từ ước mơ từ thuở thơ ấu: Phát triển cà phê bền vững, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân và đưa những hạt cà phê Việt Nam Arabica Sơn La vươn tầm thế giới.
Tư duy và trách nhiệm “khởi mầm" cho kinh doanh cà phê bền vững
Tự nhận “cà phê chảy trong huyết quản", tình yêu của Minh Thắng với hạt cà phê đã được nuôi dưỡng từ trước cả khi anh sinh ra. Lớn lên từ tuổi thơ theo chân ba mẹ đến những vườn cà phê tại Sơn La, Minh Thắng lựa chọn theo học ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế (IBM) tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) với mong muốn trau dồi thêm kiến thức quản lý để thực hiện trách nhiệm với thương hiệu cà phê của gia đình - Minh Tiến Berest.
Cũng nhờ nền tảng là những kiến thức về kinh tế tuần hoàn học được từ BUV, Thắng nhận ra rằng cà phê Việt thường chỉ được xuất thô, không chỉ dẫn thương hiệu, chất lượng không đồng đều và phương pháp canh tác chưa được tối ưu, bền vững. Bởi thế, chàng trai trẻ càng thêm kiên định với khát khao phát triển cà phê bền vững và mang cà phê Việt ra thế giới. Năm 2019, Thắng đã khởi sự nên thương hiệu Coffilia theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Mô hình này tập trung vào tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín. Theo đó phụ phẩm từ khâu chế biến sản phẩm trước, sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của sản phẩm tiếp theo trong hệ sinh thái. Tiết kiệm được chi phí xử lý chất thải, giảm rác thải ra môi trường. Và đây cũng là xu hướng phát triển mà các nền công nghiệp trên thế giới hướng đến” - Minh Thắng cho biết.
Thời điểm đó, việc lựa chọn một hướng đi mới với những hạn chế về kinh nghiệm, vướng mắc về cơ sở vật và nhất là phải thay đổi thói quen sản xuất cà phê truyền thống của người dân không phải việc dễ dàng. Tuy nhiên, trách nhiệm với cộng đồng và tình yêu cà phê - điều luôn được Minh Thắng nhắc nhớ mình ngay từ ý nghĩa tên thương hiệu Coffilia (nghĩa là tình yêu và đam mê với cà phê) - luôn thôi thúc anh phải kiên trì với điều mình tin tưởng và hướng đến. Thắng tìm mọi cách để vận động nông hộ, đối tác cải cách sản xuất, tiên phong đi đầu để trở thành hình mẫu phát triển cà phê bền vững cho cộng đồng, mời chuyên gia quốc tế đến tham vấn và tìm hướng đi thực tiễn cho Việt Nam.
Với Thắng và Coffilia, doanh thu không phải mục tiêu duy nhất. Anh luôn ưu tiên sức khỏe người làm cà phê và người sử dụng cà phê, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải ra môi trường. Mọi phụ phẩm, phế phẩm từ việc sản xuất tại Coffilia đều được tái sinh: vỏ trấu cà phê làm thành phần cho nhựa sinh học, từ nhựa sinh học sản xuất ra thành phẩm phục vụ gia dụng và ngành F&B. Chính mô hình này đã mang lại sự thành công và tính bền vững cho thương hiệu Coffilia.
Đến nay, sau 5 năm “ươm mầm”, Coffilia hiện có 3 cửa hàng cà phê tại Hà Nội và đặc biệt là 1 cửa hàng tại Kuwait, quốc gia ở vùng Đông Ả Rập. Công ty Minh Tiến Berest cũng sở hữu 5 nhà máy và 2 vùng trồng chất lượng cao, thêm một vùng trồng cafe tại Lào mà trong năm 2023 có 2 mẻ cà phê được công nhận là cà phê đặc sản với điểm số cao, được công nhận bởi các tổ chức quốc tế.
“Mình cảm thấy may mắn vì nhờ có nền tảng, môi trường quốc tế tại BUV nên hành trình vươn ra thế giới không bị bỡ ngỡ mà có thể đi nhanh, đi xa hơn. Thậm chí những nhà đầu tư tại thị trường Kuwait giờ đã trở thành một cộng sự, bạn bè của với mình để cùng nhau viết tiếp giấc mơ về cà phê Việt bền vững”. - Minh Thắng chia sẻ.
Trên hết, Minh Thắng mong rằng Coffilia sẽ đóng góp được phần nhỏ vào sự phát triển nông nghiệp bền vững và ngành dịch vụ tại Việt Nam. Câu chuyện của Minh Thắng và Coffilia chính là minh chứng rõ ràng về bản lĩnh của thế hệ trẻ và cách mà tư duy bền vững có thể mang đến thành tựu, cũng như giá trị tích cực cho cộng đồng.