A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, với chuỗi hoạt động hấp dẫn diễn ra từ nay đến 1/1/2025. 

Trong tháng 12/2024, Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) sẽ tổ chức các hoạt động trong chương trình “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán... Qua đó, du khách thêm hiểu những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc.

“Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”
“Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” diễn ra chuỗi hoạt động từ nay đến 1/12/2024. Ảnh: Làng Văn hoá, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chuỗi hoạt động đón chào năm mới 2025 bao gồm nhiều sự kiện như: Tái hiện Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên; Chương trình dân ca dân vũ “Bản Mông vui đón Tết”; Chương trình dân ca dân vũ “Niềm vui đón năm mới”... "Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025" sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ, nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới 2025 tại "Ngôi nhà chung" với chủ đề "Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025".

Với điểm nhấn "Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025" hoạt cảnh không gian chợ phiên là sự kết hợp giữa không khí vui tươi xuống chợ, cùng nhau múa khèn, giã bánh giày với chàng trai, cô gái dân tộc Mông; các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái (Thanh Hóa) và các nhóm đồng bào phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng....

Bên cạnh đó, giới thiệu, trình diễn múa Khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa; giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào vùng cao; chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu phiên chợ” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc; tái hiện Lễ “mừng cơm mới” của dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa; tái hiện trích đoạn Lễ hội cầu may của các dân tộc Mông, Dao, Thái tỉnh Thanh Hóa.

Vào cuối tuần ở làng, tăng cường các hoạt động của đồng bào hoạt động hàng ngày theo tuyến điểm, gắn với không gian cây, hoa dịp cuối năm và đầu xuân mới; chương trình giao lưu “Sắc hoa dã quỳ” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động tại làng; chương trình giao lưu “Mùa hoa cải về” của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động tại làng...

Ngoài ra, sẽ có một số trò chơi mang lại trải nghiệm cho các em học sinh như: Đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre, đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh, không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh, trải nghiệm trang phục dân tộc...

Tham gia các hoạt động tại làng,có hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Cùng với đó, có 65 đồng bào dân tộc, trong đó, 25 đồng bào Mông tỉnh Điện Biên từ ngày 28, 29/12/2024; 20 đồng bào Mông, Dao; 20 đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa từ ngày 31/12/2024 - 1/1/2025.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội