A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Điểm tựa cho nông dân làm giàu

Đồng hành cùng nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn huyện Phúc Thọ những năm qua, Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn mà còn tạo động lực kích thích sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Là một trong số những hộ tiên phong trồng hoa tại địa phương, anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) phấn khởi cho biết, năm 2018, gia đình anh vay QKN TP 400 triệu đồng để trồng hoa ly, đến năm 2020 đã trả nợ đúng hạn. Đợt tháng 5/2022, anh Thanh tiếp tục xây dựng phương án trồng 50.000 gốc hoa Lily và được QKN TP giải ngân cho vay 400 triệu đồng.

Anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) chăm sóc hoa Lily. Ảnh:  Ánh Ngọc 

Anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) chăm sóc hoa Lily. Ảnh:  Ánh Ngọc 

Toàn bộ củ giống đều được nhập từ Hà Lan nên đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này cả 50.000 gốc Lily đều phát triển, sinh trưởng tốt, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20 Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023.

“Năm 2021, tôi cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng hoa Lily. Đây là loại hoa được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định với mức giá bán tại vườn dao động từ 15.000 - 40.000/cành” - anh Thanh cho hay.

Hiện, anh Kiều Bình Thanh đang là chủ sở hữu của 4 nhà vườn trồng hoa với diện tích hơn 1 mẫu. Cả 4 nhà vườn đều có tiếng khắp vùng và là địa chỉ cung cấp hoa uy tín trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Với hơn 20 chủng loại hoa, đa dạng từ hoa cắt cành (Lily, cúc, loa kèn…) đến hoa chậu, hoa bầu, hoa treo trang trí, hoa thảm, hoa cắt ghép, trung bình mỗi loại từ 2.000 - 10.000 chậu. Toàn bộ diện tích được sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, nên năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng hoa. Ảnh: Ánh Ngọc

Anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng hoa. Ảnh: Ánh Ngọc

Những năm gần đây, nhu cầu, thị hiếu chơi hoa của người tiêu dùng ngày càng tăng cao nên những hộ trồng hoa tại Tích Giang luôn “sống khỏe” với nghề. Gắn bó với nghề trồng hoa từ năm 2000, anh Thanh chia sẻ, phương thức làm ăn của anh phát triển từng bước theo nhu cầu, thị hiếu, phong trào chơi hoa của người tiêu dùng và thị trường rồi nâng dần diện tích, quy mô sản xuất. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, anh Thanh còn liên kết với các hộ trồng hoa trong vùng để đáp ứng đơn đặt hàng của nhà phân phối, đại lý hoa, cây cảnh ở Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương…

“Hiện nay, dù có khá nhiều kênh vay vốn có thể tiếp cận, song tôi đánh giá QKN là điểm tựa tin cậy để phát triển sản xuất, bởi mức vay và thời hạn vay rất phù hợp với quy mô sản xuất của gia đình. Trong quá trình làm hồ sơ vay vốn tôi còn được cán bộ Trạm Khuyến nông Phúc Thọ tận tình hướng dẫn thủ tục để vay vốn, như lập phương án sản xuất, hoàn thiện giấy tờ thủ tục về đất đai, tài sản thế chấp… Ưu việt hơn cả là luôn có cán bộ khuyến nông phụ trách đồng hành tư vấn từ thiết kế vườn trại đến mua cây giống, kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa” - anh Thanh nói.

Tiếp sức làm giàu

Đây là lần đầu tiên, anh Giang Văn Mạnh (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) được vay vốn QKN TP 300 triệu đồng để nuôi 4.000 con gà Lương Phượng đẻ trứng, với quy mô chuồng trại 1.000m2. Đầu tư trang trại khép kín, hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn nên khi được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ giới thiệu tiếp cận nguồn vốn QKN TP, anh Mạnh vô cùng phấn khởi.

Trang trại nuôi gà đẻ trứng của anh Giang Văn Mạnh (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ). Ảnh: Ánh Ngọc 

Trang trại nuôi gà đẻ trứng của anh Giang Văn Mạnh (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ). Ảnh: Ánh Ngọc 

“Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cán bộ khuyến nông. Tôi được biết, trước đó, một số hộ trên địa bàn xã cũng đươc tiếp cận nguồn vốn QKN đầu tư trang trại nuôi gà đẻ, xây lò ấp trứng, hiện nay đang ăn nên làm ra. Cũng chính nhờ sự tiếp sức của QKN giúp tôi quyết tâm kiên định với con đường làm giàu từ trang trại” - anh Mạnh chia sẻ.

Hiện, trang trại của anh Mạnh đang duy trì nuôi hơn 1.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà hậu bị. Bình quân mỗi ngày trang trại cho thu 700 quả trứng, với giá bán trung bình 3.500 đồng/quả, anh Mạnh thu về trên 2,4 triệu đồng/ngày. Không chỉ có thu nhập cao từ trứng, anh Mạnh còn có thêm nguồn thu từ bán phân gà cho các trang trại trồng trọt với giá 90.000 đồng/tạ. Nhờ đó mà gia đình làm ăn khấm khá, có nguồn thu nhập ổn định nuôi 3 con đang tuổi ăn học.

Theo anh Mạnh, gà Lương Phượng được 5 tháng tuổi là bắt đầu đẻ bói, đến 6 tháng tuổi có để đạt tỷ lệ đẻ thuần thục 50 - 60%. Thời gian khai thác trứng là 12 tháng, khai thác trong khoảng 18 tháng thì phá đàn. Giá bán gà phá đàn (gà thải loại) được xuất bán trung bình 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Tự tin về kinh nghiệm 15 năm chăn nuôi gà, anh Mạnh cho rằng, nguồn gốc con giống mua từ địa chỉ uy tín cộng với thành thạo kỹ năng chăn nuôi, phòng bệnh cho gà nên hoàn toàn không lo ngại về dịch bệnh. Khi nắm chắc kỹ thuật, người nuôi có thể tự mua thuốc và tiêm phòng bệnh cho đàn gà như vaccine marek, hen xuyễn, cúm. Gà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh thì người chăn nuôi sẽ rất nhàn đồng nghĩa với chi phí sản xuất giảm và thu nhập tăng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội