A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Đòn bẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp

Những năm qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành nguồn lực thúc đẩy các DN, hợp tác xã, hộ nông dân mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, qua đó tạo đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp Thủ đô.

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả lớn cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, chủ động được thời vụ và thay đổi tập quán canh tác.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Phú Xuyên là huyện đi đầu trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Thời điểm hiện tại, hơn 1.000ha lúa của huyện Phú Xuyên đã sử dụng phương thức mạ khay, cấy máy. Từ đồng vốn Quỹ Khuyến nông TP, nhiều xã trên địa bàn huyện đã có tới hơn 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, lúa là loại cây trồng chiếm tới 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không chỉ góp phần quan trọng giải bài toán về lao động, khi lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp ngày một giảm, mà còn tạo động lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Tại huyện Quốc Oai, Trạm Khuyến nông huyện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo trồng thông qua việc thực nghiệm cấy lúa bằng mạ khay và đã nhân rộng tới 14 xã, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Việt Yên (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) Đỗ Hữu Dự cho biết, tỷ lệ hộ nông dân tham gia mô hình mạ khay, cấy máy ở địa phương đã tăng từ 10% lên 80%, và việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy đã mang lại hiệu quả tích cực.

Hộ ông Phan Viết Vinh (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được vay vốn Quỹ Khuyến nông TP để mua máy làm đất công suất nhỏ phấn khởi cho biết: “Trang trại trồng bưởi và ổi của gia đình tôi có tổng diện tích khoảng 3 mẫu, nếu làm đất bằng tay để tạo luống sẽ phải bỏ ra từ 30 - 35 ngày công lao động. Nhưng từ khi có máy làm đất, khâu này chỉ mất từ 3 - 4 ngày, rút ngắn còn 1/10 thời gian lao động, tiết kiệm tới 3 - 4 triệu đồng chi phí”.

Tạo động lực bằng cơ chế, chính sách

Lợi ích đã rõ nhưng thực tế cho thấy, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Chẳng hạn như, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; việc trang bị các thiết bị cơ khí động lực còn hạn chế và mới thích hợp ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đáng nói, hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng (giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước) và mức độ tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế nên chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đáng chú ý, khâu làm đất được cơ giới hóa với 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, TP chưa có nhiều cơ sở dịch vụ về máy cơ giới chuyên ngành; kỹ thuật vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp hiện đại còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề vận hành các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được chú trọng.

Do vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh hỗ trợ phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, một trong những giải pháp được đề ra là hình thành khoảng 36 tổ (nhóm) dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.

Đề cập về giải pháp thúc đẩy phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ tạo nguồn kinh phí gần 1.800 tỷ đồng cho mục tiêu đến năm 2025 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung của TP cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.

Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực sẽ đạt 15 - 98%; các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với vùng nguyên liệu tập trung, cụ thể: Khâu làm đất là 98%, gieo cấy 15%, chăm sóc 60%, thu hoạch (lúa) 95%...

Với cơ chế hỗ trợ mới này, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý (vay vốn của Quỹ Khuyến nông TP), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh TP Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội