Mong ước đầu năm của GS.TS Võ Tòng Xuân cho nông nghiệp, nông dân ĐBSCL
GS.TS Võ Tòng Xuân mong ước năm Nhâm Dần thực hiện "mạnh như hổ" di nguyện về nông nghiệp của Bác Hồ.
Với tầm nhìn chiến lược của mình, ngay từ 1946, Bác Hồ đã đúc kết: “Nông dân ta giàu thì đất nước ta giàu”. Ngày nay, đúc kết này được xem như di nguyện của Bác về nông nghiệp. Suy rộng ra hơn, đó là di nguyện “tam nông”: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau hơn nửa thế kỷ Người ra đi, thực tế đã minh chứng di nguyện ấy như ánh sáng soi rọi trên mọi chặng đường phát triển cho hoạt động nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến vượt bậc đưa đất nước Việt Nam từ quốc gia thiếu đói sau cuộc chiến kháng chiến vệ quốc trường kỳ, trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo, cá tôm, trái cây... trên trường quốc tế, nhưng tam nông của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm, đầu tư. Thực tế cho thấy, từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương, từ người nông dân đến lãnh đạo các cấp các ngành vẫn còn diễn ra với xu hướng: Mạnh ai nấy lo theo chuyên môn của mình...
Vì thế mãi đến năm 2020, người dân nông thôn chỉ đạt bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng (kết quả Khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê năm 2020). Như thế là chưa thực hiện trọn vẹn di nguyện của Bác Hồ.
Có nhiều nguyên nhân khiến nông dân Việt Nam chậm làm giàu, nhưng cơ bản là chúng ta xử lý vấn đề theo kiểu thoa dầu gió. Nghĩa là nghe đau đâu thì thoa dầu lên chỗ đó... Cách làm này vừa tốn dầu mà bệnh vẫn không thể khỏi.
Cụ thể, Nhà nước chủ trương “an ninh lương thực” nên chỉ đầu tư mọi cấu trúc hạ tầng cho nông dân sản xuất lúa mà thôi. Nông dân muốn trồng gì khác có giá trị cao hơn lúa thì phải tự đầu tư. Thường là họ tự phát, hùa nhau bắt chước nuôi trồng. Khi thấy thương lái tập trung thu gom món hàng nào đó đấy thì đổ xô nhau trồng. Đến lúc thấy loại nông sản nào vừa thu hoạch mà thương lái không mua thì lại chặt bỏ, hoặc trông chờ Nhà nước ra tay thương thuyết với những nơi tiêu thụ tiềm năng. Nếu không được nữa thì tổ chức, huy động các ban ngành giải cứu, bán tháo bán đổ.
Ngay cả khi lúa rớt giá, Nhà nước cho doanh nghiệp vay tiền mua lúa giá rẻ để tạm trữ, giúp cho dân có tiền trang trải nợ nần, đến khi gạo có giá cao hơn doanh nghiệp bán đi có lời, nhưng nông dân không được chia lời đó.
Rõ ràng cái khó khăn của nông dân ta là không tiêu thụ hàng nông sản của mình một cách ổn định, bền vững lâu dài, nên thu nhập bình quân khó tăng cao, tức là vẫn nghèo. Hội họp, chúng ta bàn nhiều hướng giải quyết rất hay, nhưng sau cuộc họp thì ngành nào làm theo ngành nấy... Kết quả sau cùng là nông sản vẫn thường xuyên gặp khó.
Vì thế, rất cần cuộc đại phẫu để thấy rõ toàn cảnh những nguyên nhân đẫn đến cái nghèo của nông dân ta để chúng ta có thể tổ chức các mũi giáp công liên kết nhau, cùng chung sức, chung lòng đánh thắng “giặc nghèo”. Chiến lược này tương tự như kỹ thuật trị khỏi bệnh COVID-19 bởi nhóm chuyên gia bác sĩ tài giỏi nhờ biết đại phẫu tử thi người bệnh để hiểu tại sao loại virus này gây tử vong người bệnh, họ khám phá nguyên nhân chính là do con virus corona này làm cho máu của cả hệ tuần hoàn bị đông lại khắp người của bệnh nhân, nhất là trong hai lá phổi, làm phổi không có oxy để thở nữa khiến cho bệnh nhân không có sức đề kháng để từ đó tấn công hệ tuần hoàn khiến máu bắt đầu đông cục nhỏ li ti...
Phác đồ điều trị của các chuyên gia COVID-19 không phải lo cấp máy thở oxy cho bệnh nhân mà là cho bệnh nhân uống thuốc chống máu đông, virus không phát triển được, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.
Đại phẫu hiện trạng phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn của chúng ta cũng phải thực hiện như thế. Đầu năm 2022, mốc thời gian có nhiều ý nghĩa quan trọng, nhất là theo quan niệm dân gian, đây là năm Nhâm Dần, tôi mong ước có nhiều chuyên gia liên ngành phân tích và đối chiếu với những nơi tương tự để trả lời cho được câu hỏi “tại sao nông dân mình không giàu được như người ta”. Từ đó chúng ta mới thiết kế một chiến lược theo binh pháp nhiều mũi giáp công, tham mưu cho Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành kế hoạch ứng phó một cách khoa học, thực tiễn và hiệu quả.
Có như vậy và phải như vậy nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung mới có đủ thế và lực vươn ra biển lớn. Khi đó chúng ta mới thực hiện mạnh như hổ di nguyện của Bác Hồ về nông nghiệp, lĩnh vực được xem là bệ đỡ của kinh tế nước nhà.