A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngư dân Quảng Ngãi ăn Tết trên biển

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi quyết tâm vươn khơi bám biển bảo vệ Tổ quốc vừa kiếm thêm thu nhập sau một năm đầy khó khăn.

Ăn Tết trên biển

Những ngày qua, tại các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Sa Kỳ (Bình Châu) rất nhộn nhịp, tấp nập phiên biển cuối năm. Trong khi hàng chục tàu cập cảng vào bờ xuất bán sản phẩm, thì nhiều tàu công suất lớn cũng được ngư dân vệ sinh, nạp dầu, chuyển đá, nước uống, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tới.

Thời điểm này là lúc nhiều tàu cá từ các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa tấp nập trở về bờ đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình thì cũng có nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi lại vươn khơi xuyên Tết.

 

 Chuyến vươn khơi xuyên Tết thường đem lại thu nhập khấm kha cho ngư dân.

Ngư dân Đặng Văn Cường, chủ tàu QNg-91374TS, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng anh em bạn biển ra khơi và sẽ đón Tết ngay trên biển Hoàng Sa.

Ngư dân Cường cho hay, những chuyến đi biển cuối năm ở ngư trường Hoàng Sa cũng gần đồng nghĩa với việc ăn Tết ở ngoài đó. Nên chuyến đi biển lần này chuẩn bị đồ đạt nhiều hơn ngày thường để những ngày Tết trên biển có cái mà cúng, mà ăn. Và dự kiến tàu sẽ trở về bờ sau mùng 10 Tết.

Thời tiết đang thuận lợi, nên ngư dân ai cũng động viên cùng cố gắng, để sau Tết gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập khá.

Với ngư dân Cường, Tết là thời điểm giao mùa rất dễ trúng nhiều luồng hải sản giá trị nhất, cộng với giá bán tăng mạnh, nên mọi người tham gia chuyến đi biển có thu nhập rất cao. Vậy nên, nhiều năm nay, ông và anh em bạn tàu thường ăn Tết ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

“Khi đi ai cũng đã chuẩn bị tâm lý nên đã mang theo nhiều đồ ăn hơn mọi lần. Mình sống dựa vào biển nên điều kiện thuận lợi thì ra khơi kiếm thêm thu nhập vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam” -  ngư dân Cường chia sẻ.

Tết này, vợ chồng ngư dân Phạm Văn Ninh xã Bình Châu, huyện Bình Sơn sẽ không đoàn tụ, sum họp mừng xuân mới. Anh cùng anh em bạn biển ra Hoàng Sa bám biển, giữ đảo, chấp nhận đón Tết muộn.

“Hy vọng chuyến xuyên Tết sẽ có thu nhập khấm khá cho bạn tàu vì năm qua ai cũng khó khăn” – anh Ninh nói.

Biển là nhà

Bắt đầu từ chiều 29 Tết, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định, thả neo cho tàu đậu cạnh nhau. Thuyền viên trên các tàu sẽ tập trung bánh mứt, rượu thịt về 1 chiếc tàu lớn nhất để cùng nhau đón mừng năm mới.

Tối giao thừa, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển. Những lời chúc ý nghĩa ấy tiếp thêm động lực cho những ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngư dân Phạm Văn Ninh cho hay, thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Những con cá, con mực ngon nhất trong chuyến đi câu được trân trọng dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt mới bội thu.

Sau đó, các bạn thuyền cùng ngồi lại bên nhau ôn lại chuyện đón Tết năm trước ở biển thế nào, kể nhau nghe chuyện vợ con gia đình, rồi uống đôi chén rượu. "Thời khắc giao thừa có chút trầm buồn, nhớ nhà, nhớ vợ con vô cùng, nhưng đã là “cái nghề, cái nghiệp” thì chúng tôi chấp nhận. Bởi, chúng tôi quan niệm biển là nhà, mà đã là nhà thì ăn Tết ở đâu cũng vậy. Dù gặp nhiều khó khăn thậm chí là tính mạng, chúng tôi cũng không bỏ được biển” – ngư dân Ninh chia sẻ.

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ cùng ngồi uống chén rượu chức mừng năm mới, các tàu bắt đầu tản ra mỗi người mỗi hướng đánh bắt, mong kéo những mẻ lưới đầy, sớm vào bờ sum họp, đón Xuân muộn bên gia đình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội