Chi phí tăng, nông dân “treo” chuồng
Nhiều nông dân hiện đang rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại do chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp.
Một điều chưa từng xảy ra trong ngành chăn nuôi đó là 3 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh 15 lần theo chiều hướng tăng. Việc điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp. Nhiều nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.
Trang trại với quy mô hơn 20.000 con gà đã ngừng chăn nuôi được hơn 1 tháng. Thua lỗ cả tỷ đồng nên treo chuồng là giải pháp cắt lỗ.
"1 kg gà, trang trại sẽ lỗ 5.000 - 6.000 đồng. Trang trại với quy mô 320.000 con thì lỗ khoảng hơn 2 tỷ", anh Nguyễn Xuân Hùng, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết.
Còn Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng, Vĩnh Cửu, Đồng Nai giảm gần 1.000 lợn do không tính toán được chi phí đầu vào trong suốt chu kỳ 6 tháng chăn nuôi. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện có khoảng 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng, 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán ra thấp.
Hiện có khoảng 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Bình quân lợn nuôi từ bé cho đến khi xuất chuồng 1 tạ, giá thành khoảng 50.000 - 52.000 đồng, trong đó giá thức ăn giá 3,8 triệu. Hiện nay nông dân đang bán giá 48.000 - 49.000 đồng là lỗ", ông Nguyễn Hữu Thắng, Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng, Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết.
Để gỡ khó cho chăn nuôi khi giá thức ăn đắt đỏ, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn đề nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.
"Nó phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực. Thứ hai là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành chăn nuôi. Thứ bà là một phần nào đó giúp cho chuỗi chăn nuôi giảm bớt chi phí đi", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đánh giá.
Trước mắt nông dân đang tận dụng những nguyên liệu sẵn có để pha trộn làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên với trang tại quy mô lớn và vừa từ 1.000 lợn trở lên gặp nhiều khó khăn do số lượng nhập thức ăn chăn nuôi rất lớn, có khi lên tới cả tỷ đồng.