A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng

Các hộ dân của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (Sóc trăng) rất phấn khởi vì chỉ còn khoảng 01 tháng nữa là bước vào vụ thu hoạch lúa. Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác, năng suất vụ lúa Hè thu năm nay, ước đạt trên 6,5 tấn/ha.

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, Hợp tác xã (HTX) Hưng Lợi được tỉnh Sóc Trăng và huyện Long Phú chọn thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với diện tích là 50 ha, có 46 hộ thành viên hợp tác xã tham gia canh tác.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, cho biết: Để tham gia thực hiện Đề án này, 46 hộ nông dân là thành viên của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất đến khi thu hoạch và sau thu hoạch (kể cả xử lý rơm rạ).

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi bên cánh đồng thí điểm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ảnh: Xuân Lương

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi bên cánh đồng thí điểm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ảnh: Xuân Lương

"Các hộ dân rất phấn khởi vì chỉ còn khoảng 01 tháng nữa là bước vào vụ thu hoạch, nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác, nên trà lúa phát triển tốt qua từng giai đoạn. Qua đánh giá sơ bộ của chúng tôi, năng suất vụ lúa Hè thu năm nay, đạt trên 6,5 tấn/ha." - ông Trương Văn Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hưởng, thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, ngụ ở ấp An Hưng, xã Long Đức, chia sẻ: Trước khi tham gia thực hiện Đề án này, chúng tôi được cán bộ Khuyến nông tập huấn về quy trình canh tác. Cụ thể, trước khi làm đất, ruộng không để nhập nước khoảng 30 ngày, sau đó xử lý rơm rạ, 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, sử dụng giống lúa ST 25, lượng gieo sạ chỉ từ 70 - 80 kg lúa giống/ha; bón phân theo nguyên tắc quản lý dinh dưỡng theo vùng chuyên biệt và quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng.

Vụ lúa Hè thu năm nay, 46 thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi tham gia thực hiện Đề án đều sử dụng giống lúa ST 25 và được Công ty Ông Thọ bao tiêu sản phẩm, lượng giống lúa gieo sạ chỉ khoảng 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% hộ thành viên HTX đều áp dụng quy trình canh tác bền vững “1 phải, 5 giảm”, tưới khô xen kẽ, được cấp giấy chứng nhận và cấp mã số vùng trồng”.

Khi tham gia mô hình trình diễn này, lợi ích của HTX từng bước mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh; có thêm nguồn thu nhập bổ sung, liên kết bán vật tư; năng lực của cán bộ được nâng cao; uy tín của HTX với các thành viên được cải thiện và nâng cao, nhất là lợi nhuận của các thành viên sẽ được tăng cao. HTX có điều kiện thuận lợi tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nâng cao năng lực cho cán bộ và hiệu quả hoạt động của HTX”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, khi tham gia thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đối với HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cơ bản thuận lợi, vì HTX có đầy đủ các phương tiện phục vụ dịch vụ nông nghiệp, từ khâu làm đất cho đến sau thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Đặc biệt là HTX Hưng Lợi còn liên kết cho ra mắt 2 dòng sản phẩm gạo trắng ST 25 và gạo lức ST 25.

Ông Lý Công Chức, thành viên Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, có diện tích sản xuất lúa 2,4 ha, tham gia mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao, nói: Khi chúng tôi tham gia vào mô hình này, lợi ích đầu tiên được đảm bảo về dịch vụ nông nghiệp; được Nhà nước hỗ trợ vốn; hay chính Công ty hỗ trợ vốn để mua vật tư nông nghiệp, cung cấp giống, phân bón và trang trải các chi phí khác; được chuyển giao công nghệ; chuyển giao kỹ năng; đảm bảo về thị trường, ổn định về giá cả.

"Đặc biệt, tham gia mô hình này, chúng tôi còn lợi nhuận từ rơm rạ. Theo đó, khi thu hoạch lúa xong, rơm rạ được máy cuốn rơm lấy hết, có hộ thì bán, có hộ để sản xuất nấm rơm, hộ thì cho bò ăn, người thì làm phân bón, … ”.- ông Lý Công Chức phấn khởi nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội