A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình sáng tạo, giảm nghèo bền vững

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã dành nhiều tâm huyết, nhân rộng các mô hình hay giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, vươn lên thoát nghèo.

Hàng loạt mô hình hay, cách làm sáng tạo

Xác định công tác chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Ủy ban MTTQ các tỉnh/thành trong cả nước, các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội tại địa phương.

Những năm gần đây, các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ được Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn quan tâm triển khai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Người dân xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn nhận phân bón hỗ trợ sản xuất. Ảnh: Thu Trang

Người dân xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn nhận phân bón hỗ trợ sản xuất. Ảnh: Thu Trang

Năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bắc Kạn đã vận động, tiếp nhận ủng hộ về Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 23,4 tỉ đồng.

Nguồn Quỹ “Vì người nghèo” đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn sử dụng vào công tác chăm lo Tết cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 429 nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 20,7 tỉ đồng và trao tặng 23.400 suất quà hỗ trợ người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã duy trì hỗ trợ vốn mô hình “Chăn nuôi gà thả vườn” tại xã Yên Mỹ (huyện Chợ Đồn) với tổng số tiền hơn 225 triệu đồng cho 15 hộ nghèo, cận nghèo, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho các hộ đảm bảo đúng kỹ thuật chăn nuôi.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn - cho biết, thời gian tới, MTTQ tỉnh Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội.

Đồng thời, tập trung vận động nguồn lực cho các hoạt động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, chăm lo cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán.

Gia đình anh Dương Văn Dẩư, thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn phúc lợi xã hội của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Một gia đình ở thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn phúc lợi xã hội. Chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện. Ảnh: Hương Lan/Cổng thông tin tỉnh Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 1.890 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 19,65%, số hộ nghèo đến cuối năm còn 16.177 hộ.

Tương tự, công tác xây dựng mô hình điểm về "Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững" đã được MTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình chú trọng, góp phần làm giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình đã xây dựng và duy trì nhiều mô hình hiệu quả về giảm nghèo bền vững như Đề án “Hỗ trợ trồng cây giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai, giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”. Đã có hơn 24.000 cây giống và phân bón, trị giá gần 2 tỉ đồng hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, năm 2023, từ nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình xây dựng Dự án “Mô hình xây dựng cánh đồng mẫu kết hợp tạo sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bản La Trọng 1, bản La Trọng 2 của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình” trên diện tích 2,1 ha và 41 hộ tham gia dự án, với tổng nguồn kinh phí hơn 638 triệu đồng.

Dự án góp phần thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, thay đổi tư duy, cách nghĩ trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Từ đó, kết hợp với việc khôi phục một số nét văn hóa mang tính bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.

Nhiều hộ dân tỉnh Quảng Bình phát triển thành công mô hình kinh tế. Ảnh: Trần Quốc Dư

Nhiều hộ dân tỉnh Quảng Bình phát triển thành công mô hình kinh tế. Ảnh: Trần Quốc Dư

Bên cạnh việc chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn và xây dựng mô hình điểm về giảm nghèo bền vững tại các khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình còn chú trọng tập trung các nguồn lực để giải quyết tiêu chí về thu nhập, nhà ở, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo bằng nhiều hoạt động như tập trung huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho người nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong năm.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá, Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng.

Hỗ trợ chính sách giảm nghèo liên tục, thường xuyên

Phát biểu khai mạc, phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" và an sinh xã hội năm 2023 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP Hà Nội đã tập trung xây dựng các chính sách xã hội có tính bền vững, xác định chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế, được thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ và khả năng nguồn lực của Thủ đô trong từng thời kỳ.

HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, ban hành các quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát động Tháng cao điểm ''Vì người nghèo'' và an sinh xã hội TP.Hà Nội năm 2023. Ảnh: VA

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát động Tháng cao điểm ''Vì người nghèo'' và an sinh xã hội TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: Văn Anh

Theo UBND TP Hà Nội, theo chuẩn nghèo đa chiều của Hà Nội giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố còn 2.134 hộ nghèo (chiếm 0,095% tổng số hộ dân), 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% tổng số hộ dân). Hà Nội đặt mục tiêu hằng năm giảm từ 25 - 30% số hộ nghèo và 10% số hộ cận nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn, Tháng cao điểm "Vì người nghèo" sẽ là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và nhân dân Thủ đô tiếp tục thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, bằng những hành động thiết thực cụ thể, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn.

Và trên cả nước, nhiều hoạt động chung tay hướng về người nghèo được thực hiện. Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (ngày 17.10 đến 18.11 hàng năm), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái cùng chung tay góp sức, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán.

Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%), tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Cuối năm 2023, có thêm 9 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội