A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày mai, nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Hà Nội

Khu vực Hà Nội ngày mai, 20/6, có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 39 độ C...

Nắng nóng gay, Hà Nội nền nhiệt lên tới 39 độ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, ngày mai, 20/6, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C vào 10-17h.

Khu vực Hà Nội ngày mai có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ C.

Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21/6, từ ngày 22/6 nắng nóng có xu hướng giảm dần. Khu vực Trung Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 22-23/6, sau nắng nóng có khả năng dịu dần.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đồng thời cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ.

"Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt nếu người dân tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao", Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40 độ C hoặc cao hơn.

Các đối tượng có nguy cơ cao nhất đối với sốc nhiệt là những người phải làm việc trong điều kiện môi trường nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, người công nhân làm việc trên lò cao, các vận động viên thi đấu, luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…

Sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.

 

Mỗi người có thể gặp phải các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Nếu phải ở lâu ở ngoài trời, người dân cố gắng tránh thời điểm từ 11h đến 15h, đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.

Bên cạnh đó, mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.

Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

"Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân,.

Nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch", PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyên.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội