A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây cột, tường bê tông đỡ các khối đá bị mất chân để cứu Hòn Trống Mái

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh hôm nay (29.8) cho biết, đơn vị này vừa họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn Hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì thực hiện từ tháng 4.2022.

Xây cột, tường bê tông đỡ các khối đá bị mất chân để cứu Hòn Trống Mái

Hòn Trống Mái - biểu tượng của vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các chuyên gia của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã thảo luận, đánh giá kỹ và thống nhất nghiệm thu kết quả của nhiệm vụ.

Trong đó, các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã đáp ứng các mục tiêu đề ra: Đánh giá chi tiết hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến sự bền vững của Hòn Trống Mái; tính toán xác định mức độ nhạy cảm và các kịch bản gây biến động đảo dựa trên các đặc tính về cơ lý đá, đặc điểm các khu nứt, xác định các kiểu, dạng trượt lở khác nhau từ đó tính toán ra hệ số an toàn ổn định cho các khối đơn lẻ và áp dụng với các kịch bản khác nhau của thời tiết và biến đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp kỹ thuật được đề xuất là xây cột, tường bê tông đỡ các khối đá bị mất chân. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một trong những giải pháp kỹ thuật được đề xuất là xây cột, tường bê tông đỡ các khối đá bị mất chân. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nhiệm vụ cũng đã đề xuất các giải pháp bảo vệ Hòn Trống Mái theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của Hòn Trống Mái, được chia thành 2 nhóm.

Nhóm giải pháp về xã hội: Rà soát các hoạt động của tàu, thuyền có hoạt động tại khu vực Hòn Trống Mái trong phạm vi 800m; hạn chế tốc độ lưu thông của tàu, thuyền, cano chạy qua khu vực Hòn Trống Mái dưới 10km/h trong phạm vi bán kính 200m; thả phao neo cảnh báo khoảng cách bảo vệ Hòn Trống Mái.

Nhóm giải pháp về kỹ thuật gồm: Gia cố, ổn định các khối đá có nguy cơ trượt lở, đổ lở bằng phương pháp khoan neo; xây cột, tường bê tông làm giá đỡ các khối đá bị mất chân, có nguy cơ đổ lở cao; phun vữa bê tông nhằm hàn gắn, hạn chế mức độ ăn mòn và mở rộng các hệ thống khe nứt; phun vẩy vữa bê tông có pha trộn các vật liệu chống ăn mòn và chống mặn ở chân Hòn Trống Mái nhằm giảm thiểu mức độ ăn mòn chân đảo.

Hội đồng thống nhất đề nghị Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện và bàn giao sản phẩm cho Sở Văn hóa và Thể thao và Ban Quản lý vịnh Hạ Long để sớm báo cáo UBND tỉnh cho thực hiện các giải pháp bảo vệ Hòn Trống Mái; cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu từ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ này và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lập, triển khai dự án bảo tồn Hòn Trống Mái đặc biệt là khâu thiết kế, biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho các khối đơn lẻ trong quá trình thi công bảo vệ Hòn Trống Mái.

Trước đó, theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, sau khi thống nhất giữa các bên liên quan, đơn vị này chốt phương án: tàu chạy qua khu vực Hòn Trống Mái không được quá tốc độ 10km/h để tránh tạo sóng và phải giữ khoảng cách tiếp cận gần Hòn Trống Mái tối thiểu 70m. Sở GT-VT Quảng Ninh cũng cho thiết kế phao để lắp đặt xung quanh Hòn Trống Mái làm mốc ranh giới, cách Hòn Trống Mái ít nhất 70m.

Các loại tàu không được chạy quá tốc độ 10km/h để tránh tạo sóng và phải giữ khoảng cách tiếp cận gần Hòn Trống Mái tối thiểu 70m. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các loại tàu không được chạy quá tốc độ 10km/h để tránh tạo sóng và phải giữ khoảng cách tiếp cận gần Hòn Trống Mái tối thiểu 70m. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, Hòn Trống Mái đã bị phân tách thành nhiều các khối nhỏ, trong đó có 40 khối có nguy cơ đổ lở. Đáng chú ý các vị trí như: mỏ hòn gà mái; mào hòn gà trống và một số khối khác cần phải có giải pháp khắc phục sớm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đối với Hòn Trống Mái phải hết sức thận trọng, chỉ nên tác động nhỏ nhất có thể, không làm thay đổi cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội