Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Người dân chủ động chống lũ và gói bánh chưng chia sẻ với người dân vùng lũ
Không chỉ chủ động phòng, chống lũ, người dân ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc còn chủ động gói bánh chưng để chia sẻ với người dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phòng, chống lũ lụt sau cơn bão Yagi, người dân nhiều xã tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động chuẩn bị bao cát, áo phao và di chuyển người già, trẻ em, cùng đồ đạc, gia súc đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Đáng chú ý, chiều tối ngày 11/9 người dân tại xã Lũng Hoà (huyện Vĩnh Tường) đã tập trung gói bánh chưng, kêu gọi người dân trên địa bàn ủng hộ nhu yếu phẩm thiết yếu để chia sẻ với những người dân đang bị lũ bao vây.
Bên cạnh đó, người dân xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường) tập trung nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng lũ các tỉnh lân cận.
Sau đây là một số hình ảnh đẹp về sự chủ động ứng phó bão và chia sẻ khó khăn với người dân ứng phó với trận lũ sau cơn bão Yagi của người dân huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người dân nhiều xã tại Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động phòng, chống bão |
Người dân huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc gói bánh chưng chia sẻ với đồng bào vùng lũ |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương vào sáng ngày 12/9, ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện đã có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to. Mực nước trên sông các sông Phó Đáy đo tại trạm đo Kim Xá vào lúc 9h sáng 11/9 là 16,38 m, trên báo động số III; mực nước sông Hồng đo tại trạm đo Đại Định là 14,4 m, bằng báo động II.
Tại thôn Việt An và thôn Việt Hưng xã Việt Xuân đã bị cô lập, khiến 300 nhà dân bị ngập, thiệt hại về nhà ở và hoa màu của người dân.
Để ứng phó với cơn bão, Huyện ủy, UBND, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Vĩnh Tường đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả do ảnh hưởng cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h để nắm bắt kịp thời diễn biến về tình hình mưa lớn đồng thời, kết nối liên lạc với các xã, thị trấn và có các phương án chỉ đạo kịp thời ứng phó khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sớm các sự cố đê điều, triển khai trên các phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê...