Việt Nam kỳ vọng lọt top 20 đối tác lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới
Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đạt 11,3 tỷ USD. Kỳ vọng hết năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD.
Mới đây, hội thảo "Tổng quan về Ngoại thương của Ấn Độ trong 5 năm qua, các đối tác thương mại và mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Ấn Độ và cơ hội cho Việt Nam" được tổ chức nhằm kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, nền kinh tế Ấn Độ có độ mở chưa cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng.
Được biết, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Theo đó, quốc gia này có khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, do đó tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, nền kinh tế Ấn Độ đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Vương quốc Anh. GDP danh nghĩa của Ấn Độ đạt 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 8,2%, phục hồi từ mức giảm so với năm 2020.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Ấn Độ đang hợp tác kinh doanh rất thành công tại Việt Nam, và Việt Nam có nhiều tiềm năng để hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Điển hình như tập đoàn Reliance, tập đoàn lớn tại Ấn Độ đã xuất khẩu thành công sang Việt Nam các sản phẩm về nhựa và dệt may. Hiện nay, Reliance cũng có nhiều mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch IICCI nhấn mạnh, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long và nông sản nói chung tới khu vực phía nam Ấn Độ. Ngoài các mặt hàng hoa quả tươi, hai quốc gia còn có tiềm năng mở rộng kinh doanh với mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả,… khi các doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng này.
Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Một số lĩnh vực điển hình như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến. Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước.
Nếu Việt Nam và Ấn Độ có thể phát triển hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm sẽ được thực hiện nhanh hơn. Từ đó, hoạt động xuất khẩu dược phẩm được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực dễ dàng hơn.
Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam. Thị trường Ấn Độ đang tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến. Ví dụ đối với sản phẩm bánh quy, Ấn Độ nhập khẩu mặt hàng này với từ các quốc gia như Indonesia, Malaysia. Việt Nam có những sản phẩm bánh kẹo tương tự, tuy nhiên chưa thấy xuất hiện trên thị trường Ấn Độ. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng lĩnh vực này để gia tăng thương mại với Ấn Độ.
Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Trong năm 2021, Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách các thị trường đối tác của Ấn Độ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 11,3 tỷ USD.
Kỳ vọng hết năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cán cân thương mại cơ bản cân bằng, và Việt Nam sẽ nằm trong top 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt, hải sản, nhôm và các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.
https://cafef.vn/viet-nam-ky-vong-lot-top-20-doi-tac-lon-nhat-cua-nen-kinh-te-lon-thu-6-tren-the-gioi-2022032702390605.chn