Việt Nam đang chuẩn bị gì cho sự trở lại của ngành du lịch?
Lượng khách đăng ký mua tour đang tăng nhanh chóng tại TP Hồ Chí Minh - thị trường du lịch lớn nhất nước. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào mùa tour Tết năm nay.
Mỗi khi Tết đến, có người chọn về quê, có người lại chọn cùng gia đình đi du lịch trong những ngày nghỉ. Nhưng khác với mọi năm, đi du lịch nhưng phải an toàn, không quá đông đúc... đang là lựa chọn của nhiều hành khách. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi để thích ứng, tung ra những sản phẩm du lịch theo nhóm nhỏ. Ngành du lịch cũng nhận định: Đây là thời điểm vàng để khởi động ngành du lịch để sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế, không thể chậm hơn.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kỳ vọng mùa du lịch Tết
Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp du lịch đang đặt nhiều kỳ vọng vào mùa Tết năm nay sẽ là khởi đầu lạc quan cho một năm mới khởi sắc trở lại của ngành du lịch.
Tại công ty du lịch Vietravel, hơn một tuần nay không khí mua bán tour trở nên sôi động hẳn khi mỗi ngày có hàng chục lượt khách hàng đến mua tour Tết.
Anh Nguyễn Tân Khoa ở quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, sau nhiều lần đắn đo, hiện nay, gia đình anh nay đã yên tâm hơn khi quyết định mua tour. Anh Nguyễn Tân Khoa cho biết: "Mình và gia đình mua tour nghỉ dưỡng, điểm đến không quá đông đúc để mình có tâm lý thoải mái hơn".
Cảnh đẹp du lịch Phú Quốc. (Ảnh: VGP)
Đơn vị này cũng cho biết, điểm đến an toàn là lựa chọn hàng đầu của các khách hàng trong mùa tour tết năm nay với Phú Quốc, Đông - Tây Bắc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Đà Lạt. Hiện lượng khách đặt tour đã đạt hơn 80% so với kế hoạch và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 15.000 lượt khách trong mùa xuân 2022.
Việc TP Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh là một thuận lợi cho du lịch cả nước bởi đây là thị trường cung cấp nguồn khách lớn nhất. Du khách từ thành phố có thể thoải mái hơn khi đi du lịch đến các địa phương khác. Hiện nay, nhiều công ty du lịch lớn tại TP Hồ Chí Minh đều đạt hàng ngàn lượt khách đăng ký tour Tết và có thể còn tăng trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TST Tourist, cho biết: "Điểm nhấn để làm nên khác biệt của tour tết năm nay là chúng tôi tập trung vào chất lượng dịch vụ từ 4 sao trở lên và chú trọng đến yếu tố nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho du khách.
Hiện nay, các chuyến bay thương mại quốc tế cũng đã từng bước được mở lại. Do vậy, ngoài thị trường du lịch nội địa, một số doanh nghiệp đã tính tới việc mở lại các tour nước ngoài đến những vùng, quốc gia có độ an toàn cao như Thái Lan, Dubai, châu Âu, Mỹ... Cùng với tâm lý dần ổn định của du khách từ mùa tour tết này, các doanh nghiệp kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi tốt trở lại vào mùa hè năm 2022.
Dịp Tết Nguyên Đán này, các địa điểm như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng cũng được nhiều du khách trong và ngoài nước chú ý, minh chứng là nhiều chuyến bay đã có tỷ lệ lấp đầy từ 70 thậm chí lên đến 90%. Tất nhiên, trong đó cũng có những người về quê ăn Tết nữa.... Đó là sự khởi đầu thuận lợi của năm 2022, hy vọng chấm dứt 2 năm khó khăn của ngành du lịch nước ta và trên thế giới.
Du lịch thế giới đối mặt với nhiều khó khăn
Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết năm 2021, ngành du lịch thế giới hầu như không có sự cải thiện so với năm 2020, với mọi chỉ số đều ở mức thấp hơn so với thời trước đại dịch COVID-19. Lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, giảm 73% so với năm 2020. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á.
Cùng với du lịch trong nước, mở cửa du lịch quốc tế cũng là mục tiêu trước mắt. Chỉ trong 2 tháng thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine, ngành du lịch Việt Nam đã đón 7.800 lượt khách quốc tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và phục hồi phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, chiều 24/1, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.
Du lịch ASEAN thích ứng với đại dịch
Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đều nhìn nhận, đây chính là bối cảnh thuận lợi cho việc đổi mới và phục hồi ngành du lịch. Theo ước tính du lịch và lữ hành chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội của các nước ASEAN và là một nguồn thu ngoại tệ lớn. Vì thế, các nước trong khu vực đều đã thực hiện các biện pháp thu hút du khách quốc tế và phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
Indonesia cho biết, hai hòn đảo Batam và Bintan của tỉnh Riau sẽ sớm mở cửa đón du khách Singapore theo chương trình "bong bóng du lịch". Các quy định kỹ thuật về luồng khách du lịch đến và đi từ Batam, Bintan sẽ tiếp tục được Indonesia và Singapore hoàn tất.
Công tác chuẩn bị kỹ thuật để mở cửa hành lang du lịch với Singapore còn bao gồm thiết lập một phòng xét nghiệm nhanh được tích hợp với ứng dụng khai báo y tế trực tuyến của Indonesia.
2 địa điểm đã được lựa chọn để triển khai thỏa thuận "bong bóng du lịch" hạn chế với Singapore bao gồm khu du lịch Nongsa ở thành phố Batam và đảo Bintan.
Các nước trong khu vực cũng đưa ra danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nước thành viên ASEAN, được ưu tiên nhập cảnh theo các chương trình mở cửa như "Vùng Du lịch xanh" của Lào, hành lang du lịch an toàn của Singapore hay đáng chú ý như: chương trình hộp cát du lịch của Thái Lan triển khai từ tháng 7/2021 và sau đó 4 tháng là chương trình Test and Go (Xét nghiệm và di chuyển).
Du khách nước ngoài đến thăm Cung điện Hoàng gia Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Đã có khoảng 200 nghìn du khách đăng ký và 110 nghìn trong số này đã tới Thái Lan trước khi chương trình Xét nghiệm và di chuyển bị tạm dừng vào ngày 22/12 nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Hiện chỉ những du khách đã đăng ký đến theo chương trình này và chương trình hộp cát du lịch là có thể đến Thái Lan....
Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, việc dự kiến nối lại chương trình du lịch Test and Go vào tháng 2 sẽ cho phép nước này thu hút ít nhất 8 triệu du khách quốc tế trong năm nay với mức doanh thu khoảng 480 tỷ Baht (khoảng 14.5 tỷ USD).
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19, năm 2019, có hơn 136 triệu khách du lịch quốc tế đã đến ASEAN và tạo ra khoảng 30 triệu việc làm trực tiếp. Năm 2020, lượng du khách quốc tế đến ASEAN giảm hơn 80%. Bài toán mở cửa du lịch quốc tế nói riêng, mở của nền kinh tế nói chung đang phụ thuộc rất lớn vào lời giải về tính chủ động, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; vào cách thức quản trị, ứng phó cụ thể; vào quy trình thống nhất hơn giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 24/1 với khách mời là ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam và ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!