A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận mệnh đường sắt nông thôn Nhật Bản khi người dân di cư về thành phố

Trên ghế lái của đoàn tàu 2 toa, ông Katsunori Takemoto đeo găng tay trắng, kiểm tra những chiếc đồng hồ đo cũ kỹ trước khi tàu chạy dọc theo những cánh đồng bắp cải ở vùng nông thôn Chiba, Nhật Bản.

Vận mệnh đường sắt nông thôn Nhật Bản khi người dân di cư về thành phố

Tàu ở vùng nông thôn Nhật Bản đang vật lộn để duy trì. Ảnh: AFP

Cuộc chiến để duy trì sự tồn tại 

Giống như nhiều tuyến đường sắt nhỏ ở nông thôn Nhật Bản, những đoàn tàu 60 năm tuổi chạy trên tuyến này đang thua lỗ, nhưng ông Takemoto đã tìm ra cách để duy trì hoạt động kinh doanh, theo AFP. 

Việc kết hợp quan hệ đối tác marketing với những ngôi sao ca nhạc và các thương hiệu quà lưu niệm, năm 2021, chủ tịch của Choshi Electric Railway đã duy trì công ty đồng thời góp phần quảng bá địa phương.

“Tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng đây là sứ mệnh của tất cả các đoàn tàu địa phương. Chúng tôi muốn đóng vai trò là phương tiện quảng cáo cho cộng đồng" - ông Takemoto chia sẻ.

Ông Katsunori Takemoto - chủ tịch của Choshi Electric Railway. Ảnh: AFP

Ông Katsunori Takemoto - chủ tịch của Choshi Electric Railway. Ảnh: AFP

“Những thị trấn không có tàu hỏa sẽ lụi tàn. Vì vậy, việc xây dựng lại các chuyến tàu nông thôn phải được thực hiện như một phần của việc xây dựng lại các khu dân cư" - ông nói thêm. 

Tuy nhiên, hiện tại, các chuyến tàu như của ông Takemoto đang chuyển sang các phương án thay thế để duy trì hoạt động. Choshi Electric Railway kiếm được 80% doanh thu từ các hoạt động ngoài tàu hỏa, bao gồm nướng và bán bánh quy. Công ty đã bán mọi thứ, từ bỏng ngô cho đến những mảnh đường ray. Ông Takemoto cũng tích cực quảng cáo tuyến đường sắt này trên truyền hình.

Ông thậm chí còn chạy các chuyến tàu “ngôi nhà ma ám” và các tuyến “đấu vật chuyên nghiệp” nơi các võ sĩ xuất hiện trước mặt hành khách và tại các nhà ga. Công ty đã kết hợp với các thần tượng nhạc pop, diễn viên hài và YouTuber để công chúng biết đến. 

Choshi Electric Railway kiếm được 80% doanh thu từ các hoạt động ngoài tàu hỏa. Ảnh: AFP

Choshi Electric Railway kiếm được 80% doanh thu từ các hoạt động ngoài tàu hỏa. Ảnh: AFP

“Trớ trêu thay, chúng tôi phải tập trung vào các dịch vụ ngoài tàu hỏa để duy trì hoạt động của các chuyến tàu" - ông Takemoto nói. 

Dù đã hết sức nỗ lực, Choshi Electric Railway vẫn phụ thuộc vào các khoản trợ cấp và khoản vay, và số lượng hành khách tiếp tục giảm sâu.

“Có lẽ sẽ đến lúc dịch vụ của chúng tôi với tư cách một công ty đường sắt không còn cần thiết nữa. Nhưng bây giờ chưa phải lúc" - ông tin tưởng. 

Bức tranh trái ngược ở đô thị - nông thôn

Tuy nhiên, doanh nghiệp 99 tuổi mà ông Takemoto tiếp quản năm 2011 là ngoại lệ chứ không phải thường thấy ở Nhật Bản. Tại quốc đảo này, hàng trăm tuyến đường sắt nông thôn thua lỗ. Dân số giảm, người dân sở hữu ô tô, vận tải hàng hóa bằng xe tải và đại dịch COVID-19 làm giảm doanh thu.

“Nếu chúng ta để mọi thứ như đang có và không hành động gì, mọi người đều thấy rõ rằng hệ thống giao thông công cộng bền vững sẽ sụp đổ" - Bộ trưởng Giao thông vận tải Nhật Bản Saito từng nhận định.

Trong số 95 tuyến đường sắt nhỏ của Nhật Bản, có 91 tuyến ghi nhận thâm hụt trong năm 2021. Ảnh: AFP

Trong số 95 tuyến đường sắt nhỏ của Nhật Bản, có 91 tuyến ghi nhận thâm hụt trong năm 2021. Ảnh: AFP

Đường sắt nông thôn là di sản của bùng nổ kinh tế Nhật Bản trong những năm 1970. Tuy nhiên, hệ thống này không thích ứng được với tình trạng giảm dân số ở nông thôn, khi những người trẻ tuổi chuyển đến thành phố và một số làng mạc bị bỏ trống hoàn toàn.

Cơ sở hạ tầng như tòa thị chính, bệnh viện ngày càng được xây dựng dọc theo các tuyến đường chính, khiến du khách muốn lái xe thay vì đi tàu.

Trong số 95 tuyến đường sắt nhỏ của Nhật Bản, có 91 tuyến ghi nhận thâm hụt trong năm 2021, theo Bộ Giao thông vận tải.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với các tuyến tàu đô thị sinh lợi như Central Japan Railway - đơn vị vận hành tàu tốc hành shinkansen giữa Tokyo và Osaka.

Central Japan Railway thu lợi nhuận ròng gần 400 tỉ yên (2,9 tỉ USD) trong năm tính đến tháng 3.2020, trước khi đại dịch COVID-19 lây lan.  

Các nhà khai thác tàu lớn có thể lấy lợi nhuận từ khu vực đô thị để trợ cấp cho tàu ở nông thôn, nhưng ngay cả ông lớn trong ngành là East Japan Railway, phục vụ 13 triệu hành khách mỗi ngày ở Tokyo và miền đông Nhật Bản, cũng đang vật lộn với vấn đề chi phí. 

Một chuyến tàu đường sắt nông thôn Nhật Bản. Ảnh: AFP

Một chuyến tàu đường sắt nông thôn Nhật Bản. Ảnh: AFP

Năm 2021, công ty lỗ 68 tỉ yên (508 nghìn USD) với 66 đoạn đường sắt nông thôn nhiều vấn đề nhất. Ở những tuyến tệ nhất, công ty phải chi hơn 20.000 yên (150 USD) cho mỗi 100 yên (0,75 USD) kiếm được.

“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để tăng lượng sử dụng và cắt giảm chi phí. Thực tế là có những khu vực mà tàu hỏa không phải là phương tiện di chuyển tốt nhất" - giám đốc điều hành JR East, ông Takashi Takaoka, nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhất trí với quan điểm này. Thống đốc từ khoảng một nửa các vùng của Nhật Bản đệ trình thỉnh cầu chung lên bộ trưởng giao thông để cảnh báo việc cắt giảm các tuyến đường tàu nông thôn sẽ gây nguy hiểm cho đi lại cũng như dẫn tới nhu cầu chi tiêu cao cho các phương án thay thế như xe buýt.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, thay đổi là không thể tránh khỏi và các cộng đồng dân cư cần nắm lấy những cơ hội đổi mới, có khả năng bao gồm cả phương tiện giao thông tự lái.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội