A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ chuyện giá xăng ở Malaysia: Trông người nhưng phải biết rõ ta!

Vài ngày qua, dư luận lại nóng lên với chủ đề giá xăng dầu được thảo luận tại Nghị trường Quốc hội.

Giá xăng Malaysia 13.000 đồng/lít, nhìn thì ao ước chứ nhập không dễ" - Báo  Người lao động

Nó càng “nóng” hơn khi có thông tin không chính thức từ một hội thảo rằng, ở Malaysia giá xăng dầu chỉ khoảng 13.000 đồng/lít và Việt Nam có thể nhập khẩu xăng dầu từ nước này.

Phát biểu tại hội trường và chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, rất đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của người dân do việc xăng dầu tăng giá hiện nay song cũng phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Liên bộ Công Thương – Tài chính đã có nhiều cố gắng điều hành xăng dầu làm sao để giá có biên độ dao động nhỏ, đảm bảo ổn định cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân.

Trong khi các Bộ/ngành, các đại biểu đang tìm giải pháp thì dư luận đặt câu hỏi vì sao không “trợ giá” trực tiếp cho người dân như cách mà Malaysia đang làm? Hay tại sao không nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia?.

Quả thật thu nhập của người dân vẫn đang thấp so với mặt bằng chung trong trong vực. Việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới nhiều loại chi phí sản xuất tiêu dùng, giá cả hàng hoá tăng, đời sống của người dân gặp khó khăn.

Đó là điều không ai phủ nhận! Và ai cũng mong muốn, không chỉ giá xăng dầu mà bất kỳ loại sản phẩm hàng hoá nào đều có giá hợp lý, hoặc càng rẻ càng tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách kỹ càng, thấu đáo.

Thứ nhất, việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đã được duy trì từ rất lâu. Chính phủ với sự tham mưu của các Bộ/ngành đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích cho các thành phần của nền kinh tế.

Giá xăng dầu đã được điều chỉnh lên xuống theo hướng thị trường. Thực tế, mong muốn chung của giới kinh doanh là “mua rẻ - bán đắt”. Và Nhà nước bằng công cụ chính sách đã phải điều tiết sao cho hài hoà.

Thứ hai, việc “ép giá” xăng dầu xuống hơn mức thị trường, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu, thẩm lậu ra nước ngoài. Mặt khác, sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn trực tiếp cho các nhà sản xuất trong nước.

Thứ ba, về câu chuyện giá xăng dầu ở Malaysia có 13.000 đồng/lít. Dù đây là mức trợ giá của Chính phủ cho người dân bản địa nhưng thông tin này đã làm “xao xuyến” tới không ít người dân Việt Nam khi đang phải chịu nhiều sức ép về tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu. Thực tế, họ đã phạt rất nặng đối với chủ cơ sở xăng dầu bán cho người nước ngoài giá này.

Dân số tại Malaysia là 32,37 triệu dân, chỉ bằng 1/3 dân số Việt Nam. Do đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, GDP của Malaysia năm 2021 đạt 359 tỷ USD, cao gấp 1,3 lần Việt Nam. Nhờ nguồn thu ngân sách dồi dào, nước này có nhiều kinh phí để thực hiện các hoạt động trợ cấp cho giá xăng dầu song việc trợ giá cũng không phải là vĩnh viễn. Chính phủ nước này hiện cũng đang đối mặt với sức ép ngân sách từ việc trợ giá. Và ngay cả khi đã trợ giá xăng dầu, người dân nước này đang than phiền giá thực phẩm đang quá cao khiến mức sống ngày càng giảm. Trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Cục Thống kê Malaysia cho biết, 89,1% các mặt hàng trong nhóm thực phẩm và đồ uống đã ghi nhận mức tăng giá trong tháng 4. Nguyên nhân lạm phát do giá dầu tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đến từ căng thẳng địa chính trị.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3 thì việc có thêm 300.000 lít xăng không thể giải quyết vấn đề gì, không thể hỗ trợ hay tác động gì đến giảm giá xăng dầu trong nước.

Thứ tư, Việt Nam là nước có nền kinh tế với độ mở rất cao, một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới trong khi Malaysia lại không phải là quốc gia xuất khẩu. Vì vậy, khó có thể áp dụng chính sách trợ giá giống Malaysia. Trong khi đó, chính sách trợ giá nêu trên ở nước bạn chỉ dành cho người bản địa và sẽ phạt rất nặng nếu bán xăng dầu không đúng đối tượng được trợ giá.

Thứ năm, cũng theo thông tin chính thức từ Bộ Công Thương, với tư cách là bộ chuyên ngành quản lý xuất nhập khẩu thì đến nay chưa hề nhận được thông tin nào về việc nhập khẩu 300.000 lít xăng dầu này. Bộ Công Thương đang đề nghị đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia có ý kiến làm rõ thông tin phát ngôn tại hội thảo nêu trên. Có lẽ, chúng ta không nên quá bận tâm và đánh giá cao về thông tin giá xăng Malaysia chỉ 13.000 đồng. Hơn nữa thông tin này không phải chính thống mà chỉ là ý kiến của cá nhân trong một hội thảo. Bởi lẽ, mỗi quốc gia đều có cách điều hành riêng, mục tiêu điều hành giá, kiềm chế lạm phát khác nhau.

Trên thực tế, Quốc hội, Chính phủ còn nhiều dư địa để sử dụng các công cụ điều hành với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, hay cụ thể hơn là hạn chế bớt việc giá xăng tăng quá cao.

Tất cả những điều này vẫn đang được Quốc hội bàn, Chính phủ nghiên cứu xem xét để có những giải pháp phù hợp, hài hoà cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội