A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc: Học thêm ngoại khóa trục lợi sau chính sách giảm kép

Sau kỳ nghỉ đông, Bộ Giáo dục Trung Quốc phát hiện nhiều trung tâm dạy thêm ngoại khóa nâng giá học phí hoặc vi phạm quy tắc hoạt động.

Thời gian tới, nước này sẽ siết chặt dạy thêm học thuật và phi học thuật.

Từ tháng 8/2021, Trung Quốc siết chặt dạy thêm các môn văn hóa sau giờ học, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. Với chính sách “giảm kép”, nước này mong muốn giảm áp lực học tập cho học sinh và phụ huynh.

Ước tính, ngành công nghiệp dạy thêm sau giờ học trị giá 100 tỷ USD đã chịu thiệt hại nặng nề. Hơn 83% trung tâm dạy thêm phải đóng cửa vào năm 2021.

Sau chính sách “giảm kép”, phụ huynh Trung Quốc đổ xô cho con cái theo học các lớp nghệ thuật, thể thao cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Thời gian qua, Bộ Giáo dục nước này liên tiếp nhận được những phản ánh trái chiều của phụ huynh về việc các trung tâm ngoại khóa đồng loạt tăng học phí.

Năm 2021, Trung Quốc có 288.000 công ty huấn luyện thể thao. 84,7% trong số đó đăng ký hoạt động sau năm 2016. Trong kỳ nghỉ đông từ tháng 1 đến tháng 2/2022, các công ty đã tăng giá học phí. Dù mức giá khiến nhiều phụ huynh không hài lòng, các lớp học vẫn kín chỗ.

Anh Li, nhân viên tại một cơ sở đào tạo thể thao tại thành phố Thượng Hải, cho biết trung tâm phải vật lộn để theo kịp nhu cầu học ngày càng cao của phụ huynh học sinh. Trong kỳ nghỉ đông, các lớp học cầu lông đã tăng 40% học phí. Sĩ số lớp học nâng từ 6 lên 12 em.

Trong 6 tháng qua, ước tính trung tâm đã mở thêm một số cơ sở đào tạo để theo kịp nhu cầu của các gia đình. Dự kiến học phí sẽ trở lại mức bình thường sau kỳ nghỉ.

Sau khi nhận được khiếu nại, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tiến hành điều tra và phát hiện hơn 4.200 trung tâm vi phạm quy tắc hoạt động trong kỳ nghỉ đông. Trong đó, 52 trường hợp nâng giá học phí. Cơ quan điều tra đã yêu cầu những cơ sở trên giảm học phí và hoàn tiền cho phụ huynh.

Cuối tháng 2, Bộ Giáo dục thông báo sẽ mở rộng các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động dạy thêm. Cả chương trình học thuật và phi học thuật sau giờ học đều phải “tuân thủ quy định về phúc lợi công cộng, giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình”.

Bộ cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh các hoạt động ngoại khóa như đặt ra quy định mới, cải thiện việc giám sát, kiểm tra năng lực của các tổ chức và xử phạt thỏa đáng.

Trước đó, một tổ chức dạy thêm ở thành phố Thượng Hải đã nâng mức giá dạy thêm giáo dục STEAM lên 40.000 nhân dân tệ (khoảng 143 triệu đồng) cho hai năm học. Trung tâm này yêu cầu phụ huynh nộp trước học phí 3 tháng để giữ chỗ.

Xu, nhân viên trung tâm, cho biết: “Học phí sẽ được giảm nếu phụ huynh đăng ký các gói theo tháng, theo năm. Chính sách “giảm kép” không gây tác động tiêu cực đến trung tâm chúng tôi. Trên thực tế, việc kêu gọi đào tạo nhân tài đáp ứng nhu cầu đổi mới xã hội càng giúp trung tâm phát triển”.

Trước khi chính sách “giảm kép” được ban hành, việc luyện tập thể thao và các bộ môn nghệ thuật đã phổ biến tại Trung Quốc. Từ năm 2020, môn Thể dục được đưa vào kỳ thi tuyển sinh THPT, gọi là zhongkao.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh rẽ hướng cho con học thể thao, nghệ thuật để có điểm cộng hoặc được ưu tiên khi thi đại học. Nắm bắt xu hướng này, các trung tâm ngoại khóa ngày càng mở rộng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội