A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc đạt bước tiến vượt bậc về động cơ tên lửa trong 2022

Trung Quốc dự kiến đạt cột mốc lớn về phát triển động cơ tên lửa trong năm 2022, chuẩn bị cho các sứ mệnh phi hành đoàn đầy tham vọng vào không gian.

SCMP đưa tin, ba trong số bốn động cơ đang được phát triển là dành cho thế hệ tên lửa tiếp theo là tên lửa đẩy hạng siêu nặng Trường Chinh 9 (CZ-9). So về sức mạnh, CZ-9 mạnh hơn gần 6 lần so với CZ-5 (Trường Chinh 5).

CZ-9 là trung tâm của kế hoạch đưa các phi hành gia Trung Quốc hạ cánh xuống Mặt trăng vào năm 2030 đồng thời cũng sẽ phục vụ các sứ mệnh tương lai tới sao Hỏa và các hành trình liên hành tinh khác.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) – nhà thầu chính của chương trình không gian nước này - đã vạch ra một số mốc quan trọng mà họ dự kiến ​​sẽ đạt được trong năm 2022 tại Viện số 6, nơi đang tiến hành chương trình phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng.

Theo đó, sẽ có một cuộc thử nghiệm toàn bộ máy đối với động cơ YF-79 , dùng cho giai đoạn thứ ba và cuối cùng của tên lửa CZ-9. Khi hoàn thành, YF-79 sẽ là động cơ tên lửa mạnh nhất thế giới từ trước đến nay.

Ngoài ra sẽ có một cuộc thử nghiệm nửa hệ thống đối với động cơ YF-90 dùng cho giai đoạn hai và thử nghiệm toàn bộ máy của động cơ có sức đẩy 80 tấn, theo thông tin từ viện Số 6.

YF-90, một động cơ hydro-oxy cho chu trình đốt cháy bổ sung lực đẩy 220 tấn, sẽ là giúp tăng sức mạnh đáng kể cho động cơ YF-77 có lực đẩy 50 tấn của tên lửa Trường Chinh 5. Một số thông số kỹ thuật của YF-90 dự kiến ​​sẽ bắt kịp với các đối tác tiên tiến nhất của nó. Một nguyên mẫu động cơ YF-90 mới chỉ được chế tạo vào năm 2021.

Một bước nhảy vọt khác so với trước đó là động cơ YF-130 thuộc loại động cơ đốt cháy có lực đẩy 500 tấn, cũng đang xếp vào hàng mạnh nhất thế giới.

Một cuộc thử nghiệm nửa hệ thống đối với động cơ YF-130 đã được hoàn thành vào năm 2021.

Việc phát triển các động cơ mới  thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc phá bỏ nút thắt về năng lực tên lửa.

Tên lửa Trường Chinh 5 (CZ-5) dùng cho sứ mệnh Mặt trăng gần đây nhất và sứ mệnh xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc chỉ có thể chở được 25 tấn vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Ngược lại, tên lửa CZ-9 được thiết kế với tải trọng LEO 140 tấn - gần tương đương với tên lửa đẩy hạng nặng Falcon của Mỹ.

CZ-9 cũng sẽ có thể mang tải trọng lên tối đa 50 tấn lên Mặt trăng và 44 tấn lên sao Hỏa.

Năm 2022 sẽ là một năm bận rộn nữa đối với CASC, với hơn 40 lần phóng đã lên kế hoạch, bao gồm 2 tàu vũ trụ chở hàng, 2 tàu vũ trụ chở phi hành đoàn và 2 module thử nghiệm để hoàn thành Trạm vũ trụ Thiên Cung. Ngoài ra, họ cũng dự kiến ra mắt tên lửa Trường Chinh 6A.

Chương trình không gian vũ trụ năm 2022 của Trung Quốc đã khởi động hôm 17.1 bằng việc phóng tên lửa hàng không Trường Chinh 2D (CZ-2D) từ trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên. Vụ phóng đưa vệ tinh Shiyan-13 vào quỹ đạo là sứ mệnh thứ 406 của tên lửa Trường Chinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội