Cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước thải nhà máy ở Điện Biên
Mới đây, tình trạng cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước xả thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp (tại bản Ten Núa, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã gây nhiều bức xúc và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo đó, vụ việc cá chết hàng loạt được phát hiện vào tối 15.1, đến sáng ngày 16.1 người dân địa phương đã thông báo cho chính quyền địa phương để xử lý. Tình trạng cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa trải dọc từ xã Núa Ngam đến xã Sam Mứn khiến người dân vô cùng bức xúc, người dân đã suốt đêm không ngủ để ra suối vớt cá.
Liên quan đến sự việc trên, chiều 16.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lường Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã xuống xem xét tình hình, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch huyện đã trực tiếp xuống chỉ đạo làm việc.
Theo ông Sơn, nguyên nhân ban đầu được xác định là do bể chứa nước xả thải của nhà máy sản xuất sắn tại xã Hẹ Muông bị vỡ, nước tràn xuống suối làm cá chết hàng loạt, ước tính thiệt hại khoảng gần tấn cá của người dân địa phương. Hiện tại vẫn chưa xác định được trong nước thải chứa chất độc hại gì.
“Chúng tôi đang rất lo ngại nước thải sẽ làm chết khoảng 40 chục hécta lúa, ảnh hưởng đến gia súc và gia cầm của người dân. Không chỉ vậy, người dân còn thường xuyên sử dụng nước suối để sinh hoạt nên chúng tôi rất lo về hệ lụy sau này” – ông Sơn nói.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, hơn 200 em học sinh của trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Núa Ngam thường xuyên lấy nguồn nước từ suối Nậm Núa để sinh hoạt do nhà trường không có đủ nước dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng, các em có phản ánh nước ở suối này có mùi rất khó chịu và chất lạ bám vào quần áo nên không ai dám tiếp tục sử dụng.
Được biết, vùng hạ du suối Nậm Núa chảy dài qua địa bàn nhiều xã, suối Nậm Núa cũng chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản của gần 10.000 hộ dân vùng hạ lưu.
Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này, sau đó lấy mẫu để phân tích, trên cơ sở đó để xác định mức độ ô nhiễm, căn cứ vào những kết quả kiểm tra, xác định sai phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.