Nhật Bản vừa tìm thấy mỏ đất bí ẩn, chứa nhiều nguyên tố quý hiếm, đủ dùng cho thế giới trong gần 1.000 năm
Các nhà nghiên cứu mới tìm thấy một mỏ đất hiếm ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, tồn tại hàng triệu khoáng vật quý, có thể cung cấp cho thế giới trong nhiều thế kỷ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 10/4 cho biết, mỏ đất mới được phát hiện ở Nhật Bản có chứa tới 16 triệu tấn đất hiếm.
Cụ thể, mỏ đất hiếm nằm ở gần đảo Minamitori, cách Tokyo khoảng 1.850km về phía đông nam. Đây là vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, nên quốc gia này có toàn quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở đó.
Jack Lifton, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Technology Metals Research, nhận định: "Đây là bước ngoặt đối với Nhật Bản. Công cuộc khai thác mỏ đất hiếm này đang được tiến hành".
Mỏ đất quý hiếm chứa nhiều khoáng vật, nguyên tố hiếm sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ việc sản xuất pin điện thoại thông minh, vật liệu siêu dẫn, thiết bị điện tử cho tới xe điện, tên lửa, sứ gốm, xúc tác lọc hóa dầu,...
Mẫu đất hiếm được tìm thấy. Ảnh: Reuters
Theo các nhà khoa học, đất hiếm bao gồm khoảng 17 nguyên tố (được ký hiệu nằm ở hàng thứ 2 từ dưới lên trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học).
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), những nguyên tố đất hiếm có hàm lượng dồi dào trong lớp vỏ Trái Đất, nhưng thường đươc phân tán rộng rãi. Do vậy, việc tìm thấy một số lượng đáng kể những nguyên tố này ở cùng vị trí đủ để khai thác là rất hiếm gặp.
Hiện nay, chỉ có một vài quốc gia khai thác đáng kể về đất hiếm với chi phí cao như Trung Quốc, nhưng quy trình khai thác, chế biến nguồn tài nguyên này đòi hỏi kỹ thuật công nghệ rất cao.
Trước đó, là một nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nên Nhật Bản cũng là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu các sản phẩm đất hiếm.
Trữ lượng đất hiếm "khổng lồ", đủ dùng cho nhân loại trong gần 1.000 năm
Theo nhóm nghiên cứu, mỏ đất hiếm mới được phát hiện này có thể đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân loại trong nhiều thế kỷ. Cụ thể, thời gian để sử dụng hết lượng kim loại đất hiếm Yttrium (Y) là 780 năm, Dysprosium (Dy) là 730 năm, Europium (Eu) là 620 năm, Terbium (Tb) là 420 năm.
Đất hiếm có vai trò quan trọng trong công nghiệp. Ảnh: Sciencedaily
Đất hiếm có thể được hình thành thông qua các hoạt động của núi lửa, nhưng cũng có nhiều loại trên hành tinh của chúng ta được tạo ra nhờ tác động của vụ nổ siêu tân binh trước cả khi Trái Đất tồn tại.
Theo đó, khi Trái Đất ra đời, các nguyên tố đất hiếm bị trộn lẫn vào phần sâu nhất của lớp manti, hay lớp đá bên dưới vỏ của Trái Đất. Sau đó, khi hoạt động kiến tạo làm dịch chuyển một phần của lớp manti, đất hiếm sẽ được đẩy lên tới gần bề mặt hơn.
Ngoài ra, quá trình phong hóa cũng khiến đất đá biến thành trầm tích sau hàng triệu năm, và làm cho đất hiếm bị phấn tán rộng trên khắp hành tinh.
Yutaro Takaya, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, điều duy nhất "cản trở" Nhật Bản sử dụng mỏ đất hiếm mới phát hiện là do thách thức gặp phải có liên quan đến việc tách khoáng sản. Trên thực tế, quá trình này rất tốn kém và do đó cần phải nghiên cứu thêm để xác định phương pháp với chi phí rẻ nhất.
Đất hiếm có thể vẫn sẽ là "xương sống" của một số ngành phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế công nghệ toàn cầu. Nhật Bản đang đứng trước cơ hội "chuyển mình" rất lớn khi sở hữu lượng cung nguồn tài nguyên đất hiếm khổng lồ, có ứng dụng quan trọng trong công nghiệp.
Bài viết tham khảo nguồn: Sciencealert, BI