A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm ẩn rủi ro khi mua bán sổ tiết kiệm trên mạng

Hoạt động mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm đang diễn ra rầm rộ trên nhiều hội nhóm gửi tiền. Dù pháp luật cho phép nhưng các chuyên gia pháp lí lưu ý, việc chuyển nhượng cần thực hiện theo đúng quy định để tránh gặp phải các rủi ro.

Tiềm ẩn rủi ro khi mua bán sổ tiết kiệm trên mạng

Nhiều sổ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng được rao bán. Ảnh: Trí Minh

Hàng loạt tin rao bán sổ tiết kiệm

Theo ghi nhận của PV Lao Động, trong hội nhóm “Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng” có hơn 10.000 thành viên, một tài khoản ẩn danh đăng thông tin: “Hiện tại em đang có 2 sổ, mỗi sổ 500 triệu gửi bên NCB đáo hạn ngày 8.12.2023 cần chuyển nhượng. Mức giá em mong muốn là 1 tỉ 045 triệu cho cả 2 sổ. Mọi người có thể mua lại 1 sổ. Em ở Bắc Ninh chỉ cần ra quầy của NCB làm thủ tục chuyển nhượng là xong. Mọi người gửi 7 tháng mà được lãi suất 12,85% đấy ạ”.

Cũng là tiền gửi lại NCB, một tài khoản L.T.L cũng chia sẻ thông tin đang có 2 sổ tiết kiệm của ngân hàng này gửi 6 tháng lãi suất 11,2%.

“Giờ thời kì còn lại tầm 2,5 tháng. Do có việc cần dùng, muốn chuyển nhượng lại. Nghĩa là chỉ gửi 2,5 tháng đã được lãi suất 11,2%. Sang tên chính chủ tại ngân hàng. Có ai muốn gửi ngắn mà lãi suất cao không?” - tài khoản này chia sẻ.

Ngay phía sau bài đăng này, bên dưới cũng có người đăng thông tin: “Cần chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm HDBank 605 triệu, lãi suất 9,9%, VietABank 340 triệu lãi suất 10%, đều hạn đến tháng 11 tại Hà Nội. Bạn nào có nhu cầu có thể nhắn tin”.

Ngoài các thông tin rao bán, còn có nhiều người đứng ra sẵn sàng nhận mua lại sổ tiết kiệm. Như tài khoản có tên B.D đăng thông tin: Nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm Ngân hàng BIDV khu vực Đống Đa, Ngọc Khánh. Ai có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với mình.

Qua ghi nhận của PV, còn có những đơn vị đứng ra làm trung gian cho hoạt động mua bán sổ tiết kiệm. Trong vai một người có nhu cầu mua lại sổ tiết kiệm ngân hàng, PV đã liên hệ với một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp giải pháp hỗ trợ tài chính. Phía doanh nghiệp này cho biết, có thể giúp mua lại sổ tiết kiệm theo đúng các yêu cầu như: Mua lại sổ với số tiền mong muốn; Mua lại sổ đã được gửi ở ngân hàng với thời gian mong muốn; Mua lại sổ đã được gửi ở ngân hàng với kì hạn mong muốn.

Đơn vị này cũng cho hay, giá bán sổ sẽ bằng số tiền gốc trên sổ tiết kiệm + lãi trên sổ tiết kiệm tính đến thời điểm hiện tại + lãi trả thêm cho chủ sổ + phí dịch vụ. Trong đó, lãi trả thêm cho chủ sổ là lãi thỏa thuận giữa người mua và người bán, phí dịch vụ sẽ được quy định trong từng thời kì.

Đơn vị này đưa ra một quy trình gồm 7 bước để mua bán sổ tiết kiệm, trong đó, người mua phải đặt cọc tiền mua sổ từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng.

“Điều này nhằm tránh trường hợp chúng tôi hẹn chủ sổ ra giao dịch rồi bạn lại hủy. Chúng tôi sẽ thông báo địa điểm giao dịch tại ngân hàng để thực hiện thủ tục sang tên sổ tiết kiệm. Tại phòng giao dịch của ngân hàng, bạn có thể thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản cho chủ sổ và làm thủ tục sang tên” - phía đơn vị này cho hay.

Không thể nhận sổ là xong

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia pháp lí, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 14 Thông tư 48/2018 của Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm.

Theo đó, tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Trừ trường hợp chuyển giao quyền sở hữu theo thừa kế, đối tượng nhận chuyển giao quyền sở hữu phải đảm bảo phù hợp với quy định.

Chuyên gia pháp lí lưu ý rằng, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm có thể gặp rủi ro nếu không thực hiện quy trình sang tên. Chính vì vậy, hoạt động mua bán sổ tiết kiệm không thể đơn giản như “trả tiền, nhận sổ” là xong.

Trường hợp không đăng kí tại ngân hàng, người mua đã chuyển tiền đầy đủ và cầm sổ về nhưng người bán thì vẫn còn nguyên quyền tài sản đối với số tiền gửi trong ngân hàng. Thậm chí, trong trường hợp trên, người bán lại vẫn có thể làm thủ tục báo mất sổ và làm lại, hoặc ra ngân hàng thực hiện các thủ tục rút tiền một cách bình thường mà không cần cầm sổ tiết kiệm.

Theo luật sư, tại các tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: Chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì lẽ đó, thủ tục chuyển nhượng này cần được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao cũng diễn ra ở các nước trên thế giới. Vì có cung ắt sẽ có cầu. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, việc này cần thực hiện theo đúng quy định để tránh các phát sinh gây tranh cãi, kiện tụng về sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội