Tăng tốc trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự tin vào lớp 1
Trẻ đến trường học trực tiếp sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19, các trường mầm non tại Phú Thọ đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự tin vào lớp 1.
Luyện kỹ năng cơ bản
Năm học 2021 - 2022 Trường Mầm non Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) có tổng số 393 học sinh, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi có 138 học sinh. Giống như nhiều địa phương khác, năm học này trẻ thường xuyên bị ngắt quãng thời gian học trực tiếp vì dịch bệnh.
Hiện nay, trẻ được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm học không nhiều. Để trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự tin vào lớp 1, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, làm tốt công tác tuyên truyền phụ huynh, giúp cha mẹ trẻ hiểu biết đúng đắn việc chuẩn bị cho trẻ những điều kiện về thể chất, tâm thế và các kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng đi học lớp 1.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Lê Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng trường Mầm non Hùng Vương cho biết: Trước khi vào năm học mới, nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm để phân công nhiệm vụ trực tiếp dạy các lớp 5 tuổi. Tại các lớp học, giáo viên đã thể hiện tốt vai trò người tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm. Đồng thời, biết tận dụng các yếu tố môi trường tự nhiên, sẵn có để dạy trẻ, sử dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, hạn chế việc học theo kiểu cô nói, trẻ nghe theo phương pháp truyền thống.
Nhà trường rèn luyện cho trẻ một số kỹ năng cơ bản của hoạt động học tập như việc sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng… Thông qua chủ đề “Trường Tiểu học” giáo viên hướng dẫn trẻ làm quen với các đồ dùng học tập ở trường Tiểu học, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với sách, truyện, bút, thước. Trong giờ chơi, giờ ăn giáo viên tập cho trẻ biết sử dụng những đồ dùng sinh hoạt một cách gọn gàng, khéo léo.
Hướng dẫn trẻ đọc tên trong bảng danh sách lớp, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng như bút chì, giấy, sách. Cho trẻ làm quen với cách đọc; tổ chức các hoạt động tập tô, tập vẽ giúp trẻ làm quen với các nét cơ bản của chữ viết tiếng Việt và biết cách đưa nét tạo thành chữ viết. Chơi các trò chơi luyện luyện vận động và sự khéo léo của các ngón tay…
Ngoài phương pháp, hình thức tổ chức trên nhà trường đã tăng cường phối hợp với phụ huynh để cùng đồng hành giúp trẻ về mọi mặt như: Thể chất, tinh thần, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – kỹ năng xã hội.
Tích hợp giáo dục kĩ năng sống
Chia sẻ về hoạt động giáo dục của nhà trường trong giai đoạn này, cô Hoàng Thị Hồng Liên – Hiệu trưởng Trường MN Cao Xá 1, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã xác định việc trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự tin vào lớp 1 là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường nói chung và của giáo viên 5 tuổi nói riêng.
Theo đó, trong thời gian trẻ nghỉ phòng chống dịch Covid-19, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các nhóm, lớp phối kết hợp với phụ huynh cho trẻ vừa học vừa chơi, rèn trẻ các kiến thức kỹ năng cần thiết như: đếm số, chơi trò chơi ghép chữ cái, ngồi tập tô trong khoảng thời gian định trước, rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ...
Khi trẻ trở lại học trực tiếp ở trường, nhà trường đã tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường. Áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo môi trường chữ viết, môi trường học tập, tổ chức các trò chơi với chữ cái, chữ số để trẻ sẵn sàng cho việc học đọc, học viết.
Cô Hoàng Thị Hồng Liên – giáo viên nhà trường thông tin: Nhà trường yêu cầu các giáo viên chú trọng tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi trong thực hiện Chương trình GDMN; chú trọng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ, tự phục vụ của trẻ, tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm cho trẻ.
Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng riêng một chủ đề “Bé làm quen với trường Tiểu học” để dạy trẻ, cho trẻ quan sát tranh, ảnh, xem video và đưa ra nhận xét về các đặc điểm của trường tiểu học, chỉ ra điểm khác biệt giữa trường mầm non và trường tiểu học; trò chuyện, đàm thoại với trẻ về đồ dùng học tập, giới thiệu chức năng, cách sử dụng.
Xây dựng kế hoạch chức Hội thi “Rung chuông vàng” dành riêng cho trẻ 5 tuổi để ôn luyện và củng cố kiến thức đã học giúp trẻ đạt được mục tiêu đánh giá cuối độ tuổi; phối hợp phụ huynh rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự lập, tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày… Từ đó, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự tin sẵn sàng vào lớp 1.
Cũng như các năm học trước, năm học này, các trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phấn đấu 100% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, đạt các yêu cầu về nhận thức, kỹ năng cho các trường tiểu học. Để các bé có tâm thế tốt vào học lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới.
Cô giáo Lê Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng trường Mầm non Hùng Vương, cho biết: Chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới đã được triển khai vài năm, nhà trường đã có nhiều thay đổi về phương pháp dạy để giúp trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng trước khi vào lớp 1 như: Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 tuổi. Phối hợp với trường Tiểu học trên địa bàn phường trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm những kỹ năng, kiến thức cơ bản trước khi trẻ vào lớp 1; đặc biệt là việc cho trẻ làm quen với việc học đọc, học viết ở Tiểu học bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tổ chức phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động học, chơi. Lồng ghép phát triển vốn từ và năng lực giao tiếp cho trẻ thông qua các tình huống cụ thể, gần gũi, phù hợp với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường xây dựng môi trường giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ ngay từ đầu năm học ở cả hai môi trường là trong và ngoài lớp học…