Sức khỏe học đường ở TPHCM: Nhiều nỗi lo ngoài Covid-19
Hiện nay, ngoài nguy cơ bị nhiễm Covid-19, học sinh còn đối mặt với nhiều bệnh học đường khác như: Cận thị, loạn thị, vẹo cột sống, béo phì…
Bệnh học đường gia tăng
Theo báo cáo gần đây của Sở Y tế TPHCM, số ca nghi nhiễm Covid-19 đang tăng cao trong các cơ sở giáo dục của thành phố. Cụ thể, tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 ở học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT là 35.769 ca. Trong đó, nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17.275 trường hợp, kế đến là THCS với 9.701 học sinh và THPT là 7.051 em .
Các quận có số ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm: Quận 1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú. Ngoài ra, thành phố Thủ Đức cũng có tên trong danh sách này. Cũng theo kết quả khảo sát Sở Y tế TPHCM, số ca nghi nhiễm được phát hiện nhiều nhất là ở những trường lạm dụng máy điều hòa.
Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo, các trường nên tránh việc sử dụng máy lạnh kéo dài vì xét về mặt thông thoáng, tình trạng này không bảo đảm cho sức khỏe học sinh, không bảo đảm nồng độ dưỡng khí trong phòng.
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, xã hội đang quá quan tâm tới đại dịch mà quên rằng, sức khoẻ học sinh còn bao gồm nhiều vấn đề khác. Một số trường thực hiện rất tốt công tác phòng chống
Covid-19 nhưng lại để học sinh học tập trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, ở các bậc học, trung bình có khoảng 40 - 60% học sinh của thành phố mắc các tật về khúc xạ.
Bác sĩ Hưng nhận định: Trong bối cảnh học sinh phải ở nhà học online do dịch Covid-19, tỷ lệ tật mắc khúc xạ, cong vẹo cột sống của các em khả năng tăng là rất cao. Ngoài ra, tình trạng béo phì ở học sinh là điều mà các trường học, phụ huynh cần chú ý.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học
Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… để học sinh tham gia, giải tỏa năng lượng, nâng cao sức khỏe.
Thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường rất quan tâm đến vấn đề thể chất và tinh thần của học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em có được sự thoải mái, vui vẻ khi trở lại lớp học sau quãng thời gian dài phải học online”.
Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 cũng là một trong những cơ sở giáo dục có những hoạt động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh. Cùng với việc tạo sân chơi thể thao, nhà trường thực hiện đổi mới, linh hoạt về phương pháp dạy và học, thu hút được học sinh tham gia tập luyện, góp phần thực hiện thông điệp, mục tiêu của năm học là “Dạy tốt, học tốt, chống dịch tốt”.
Tuy nhiên, theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, để giúp các em cải thiện sức khỏe, thành phố cần có kế hoạch tổng thể về tăng cường thể lực cho học sinh ở các trường học và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ y tế trường học vừa thiếu vừa yếu, chưa được đãi ngộ thỏa đáng, đầu tư cho giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh hằng năm chưa được quan tâm đúng mức. Không những vậy, nguồn kinh phí dành cho y tế trường học còn hạn chế, cùng với đó, sự phối hợp liên ngành trong triển khai hoạt động y tế trường học chưa hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho rằng: Có được đội ngũ nhân viên y tế học đường tốt sẽ góp phần nâng cao thể chất, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây đang có xu hướng tăng lên ở học sinh TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Mới đây, chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt.
Thông qua chương trình, năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục gắn kết với hệ thống y tế cơ sở sẽ được củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong giai đoạn bình thường mới.