A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau Tết, công nhân lên phương án thắt chặt chi tiêu

Tháng 2 hằng năm luôn là tháng áp lực và lo lắng nhất của công nhân khi thu nhập giảm, trong khi phải chi tiêu rất nhiều thứ.

Sau Tết, công nhân lên phương án thắt chặt chi tiêu

Công nhân mong muốn có việc làm ổn định để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Minh Hương

Thu nhập giảm đến 30%

Chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi, Hà Nam) cho biết, trung bình các tháng đều đạt thu nhập từ 8 - 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 2 thu nhập sẽ thấp hơn nhiều. Như năm ngoái, tháng 2 chị chỉ được gần 6 triệu đồng tiền lương, giảm đến 30%.

Lý do được chị Nhung tiết lộ bởi tháng 2 năm nay chỉ có 29 ngày để làm việc và nghỉ Tết dài ngày. Nữ công nhân nhận lương theo hình thức khoán không tính theo tháng mà tính theo sản lượng công việc hoàn thành.

“29 ngày trừ đi hơn chục ngày nghỉ Tết còn có hơn nửa tháng chắc chắn sản lượng sẽ không được nhiều như 30 hoặc 31 ngày. Như vậy, thu nhập của tôi sẽ giảm đi đáng kể trong khi có nhiều thứ phải chi trong dịp này” - chị Nhung cho hay.

Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (29 tuổi, Vĩnh Phúc) áng chừng, tháng 2.2024 chị được 5 triệu đồng cộng với 5 ngày nghỉ Tết nữa, tổng được khoảng 5,7 triệu đồng tiền lương.

Theo chị Loan, mặc dù nghỉ Tết 11 ngày nhưng công nhân chỉ được tính lương 5 ngày nghỉ Tết, 6 ngày còn lại không có lương. Đã vậy, chị Loan còn lo lắng khi 5 ngày nghỉ Tết tính theo lương cơ bản chỉ 140.000 đồng/ngày, không phải lương thực tế.

Bên cạnh đó, chị Loan cũng lo ngại thời điểm đầu năm công việc vẫn chưa ổn định. Như năm ngoái, cả tháng 2 chị chỉ làm 8 tiếng/ngày, không có tăng ca, thu nhập chỉ được hơn 4 triệu đồng. Trong thâm tâm, nữ công nhân chỉ mong muốn được đi làm sớm ngay từ mùng 6 Tết hoặc tính lương hết các ngày nghỉ Tết.

Lên phương án tiết kiệm

Thu nhập thấp cộng thêm vô vàn thứ phải chi, khiến chị Loan phải đi vay mượn tiền người thân ngay từ đầu năm, khi nào có lương sẽ trả lại.

“Hai vợ chồng được hơn 8 triệu đồng tiền thưởng Tết, đã tiêu sạch trong khi đó tiền học cho hai con, tiền điện, nước, tiền lễ chùa vẫn đợi để thanh toán” - chị Loan nói.

Theo chị Loan, học kỳ hai của hai con thường được nhà trường thu ngay sau Tết. Năm ngoái, chị đóng tổng gần 4 triệu đồng. Tiền điện, nước 600.000 đồng, chưa kể các khoản khác. Để không quá bị nặng nề về kinh tế từ đầu năm, chị Loan phải lên phương án tiết kiệm tỉ mỉ.

“Thức ăn ngày Tết còn lại tôi quán triệt cả gia đình không được lãng phí, rau xanh, cá được ưu tiên hàng đầu vì giá thành rẻ. Phương tiện di chuyển chính của tôi là xe đạp hoặc xe đạp điện” - chị Loan cho hay.

Với chị Nhung, các khoản chi đầu năm cũng không vô cùng xót ví, nữ công nhân này liệt kê: Tiền làm lễ mừng thọ cho bà ngoại 500.000 đồng, lễ lạt 2.300.000 đồng, ủng hộ làm đường nông thôn mới 500.000 đồng, tiền học kỳ hai cho hai con 4.500.000 đồng.

“Có quá nhiều thứ cần chi, tôi đã áp dụng chính sách tiết kiệm chi tiêu trong dịp Tết để tránh lãng phí. Mặc dù vậy, tôi dự định phải mượn thêm tiền lì xì của hai con 2 triệu đồng mới đủ để chi trả cho các khoản” - chị Nhung nói và chia sẻ thêm, từ đầu năm chị đã phải cân đối chi tiêu ngay trên mâm cơm gia đình.

Những thực phẩm “cây nhà lá vườn” luôn được chị ưu tiên như gà tự nuôi, bánh kẹo, bánh chưng công ty tặng, nem tự cuốn, giò được bố mẹ cho. Những năm trước, chị Nhung luôn trữ sẵn 1 thùng bia để đãi khách nhưng năm nay được thay thế bằng rượu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội