A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt

Nhiều đại biểu Quốc hội bác bỏ ý kiến: Sách giáo khoa (SGK) mới chỉ dùng được một lần; đồng thời đề nghị, Quốc hội sớm đưa SGK là loại hàng hóa đặc biệt, được thẩm định giá và trợ giá.

Có thể tái sử dụng

Tán thành với các giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị, Chính phủ cần căn cứ vào đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm có giải pháp hữu hiệu để quản lý giá SGK. Nên nhìn nhận SGK là mặt hàng đặc biệt thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện và nhu cầu cá nhân để chọn lựa mua hoặc không mua. Hiện nay, số lượng đầu sách cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều. Trong đó, có những cuốn chỉ mang tính chất tham khảo nhưng nhiều phụ huynh hoàn toàn không biết là mình có thể mua cuốn nào và không mua cuốn nào. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để học sinh, phụ huynh nắm rõ.

Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư này, học sinh sẽ được mượn SGK miễn phí và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn có con trong độ tuổi đến trường.

Khẳng định, ngành Giáo dục triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ông Thái Văn Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, cần đưa SGK vào danh mục quản lý giá, bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế hiện nay của người dân.

Thực tế, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác truyền thông để nhân dân, phụ huynh, học sinh hiểu và phân biệt SGK với sách tham khảo. Theo đó, SGK là bắt buộc học sinh phải có để học. Còn sách tham khảo, tùy vào điều kiện và nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên có thể mua hoặc không. Tức là, sách này không bắt buộc phải mua.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho hay: Giá SGK mới cao hơn sách cũ do quy trình thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cũng nên xem xét để chia sẻ khó khăn chung của đất nước, người dân.

Các nhà xuất bản xem còn tinh giản được khâu nào, để giá SGK mới “dễ thở” hơn. Đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, các địa phương, nhà xuất bản nên trích từ nguồn ngân sách, có chương trình tặng sách để chia sẻ khó khăn với học sinh và phụ huynh. Làm sao để SGK mới đến được với học sinh vùng khó khăn trong năm học mới.

Bác bỏ ý kiến bộ SGK mới chỉ dùng được 1 lần, ông Thức chia sẻ: Do chúng ta thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên các bộ SGK lần đầu tiên được triển khai, do đó phải mua mới là điều đương nhiên. Nhưng nếu nói SGK mới chỉ dùng một lần, không dùng lại được là không đúng. Tất cả học sinh đã dùng SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đều có thể để lại cho các em khoá sau. Đây là cách giảm bớt khó khăn cho học sinh, phụ huynh trong những năm học tiếp theo.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá. Ảnh: TG

Đề nghị đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá

Liên quan đến vấn đề giá SGK, bà Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề cập, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá SGK do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp với phương án giá bán của SGK và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường. Như vậy, giá SGK là do Bộ Tài chính chứ không phải từ Bộ GD&ĐT quy định. Nhưng thời gian qua, trong dư luận, Bộ GD&ĐT phải hứng chịu nhiều than phiền.

Tại phiên làm việc ngày 8/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Bà Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị, Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân những khó khăn trong việc tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá. Bà Dao đặt câu hỏi với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đến khi nào giá SGK mới bảo đảm được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?

Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học đều rất quý, ông Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị: Quốc hội sớm đưa SGK là loại hàng hóa đặc biệt, được thẩm định giá và cần có sự trợ giá SGK cho học sinh ở các vùng khó khăn, càng sớm càng tốt.

Trao đổi về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: SGK thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là của nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai. Phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào có chất lượng, giá SGK tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với SGK hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu với Chính phủ. Chính phủ sẽ tham mưu với Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa vào Luật Giá hay không. Khi SGK được bổ sung vào danh mục trong Luật Giá thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể vận động tiết giảm chi phí để giá SGK hạ xuống, học sinh được thụ hưởng. “Nếu Quốc hội thống nhất đưa vấn đề này vào Nghị quyết của Kỳ họp này, Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách SGK vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, Chỉ thị yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá SGK.

 Theo Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội