Quốc hội bàn cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, "thủ phủ" miền Tây sẽ được hưởng những đặc quyền gì?
Trong sáng 4/1, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, địa phương vẫn được biết tới như là thủ phủ của miền Tây.
Theo tờ trình, việc ban hành cơ chế đặc thù cho Cần Thơ là "cần thiết" bởi 2 lý do. Thứ nhất, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của Vùng.
Tuy nhiên, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị khóa IX, Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng mặc Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của Vùng; Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng.
Tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã chỉ ra "cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư", chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.
Thứ 2, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long,…".
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép "Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước" và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm các nội dung chính như sau:
Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước
Về mức dư nợ vay: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về tỷ lệ bổ sung có mục tiêu: Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (sau khi thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Về chính sách Phí, lệ phí: Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố:
a) Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.
b) Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
c) Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố quy định tại điểm a khoản này phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình, phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.
Về quản lý đất đai
Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản này phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tại khoản 1 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quy định
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị
Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức
Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Cần Thơ được phép trả lương thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm quy định tại Điều này chỉ được thực hiện khi Thành phố tự cân đối được ngân sách.
Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ
Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sau đây:
Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư.
Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất để đổ chất nạo vét của dự án.
Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (sau đây gọi là Trung tâm) là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản.
Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất, sơ chế, chế biến tại Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục; b) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;
c) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
d) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;
đ) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Dự án đầu tư tại Trung tâm trong các ngành nghề, lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sau đây:
a) Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư.
b) Miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.
Nếu được thông qua, dự thảo Nghị quyết sẽ có hiệu lực sau 45 ngày và được thực hiện trong 5 năm.