A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy tinh thần làm chủ

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dấu ấn của giáo viên được thể hiện rất rõ với các bộ sách giáo khoa, trước khi các sách này được sử dụng chính thức trong nhà trường.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Hội đồng lựa chọn SGK (do UBND cấp tỉnh thành lập) yêu cầu có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học. Quy trình lựa chọn SGK cũng khởi đầu từ đề xuất của cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, giáo viên được nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn bộ sách mình tâm đắc.

Cũng với chương trình mới, lần đầu tiên việc tổ chức cho giáo viên góp ý SGK được triển khai. Năm trước, để bảo đảm chất lượng SGK và giúp giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK mới, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên tham gia góp ý bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 với 3 đợt. Đợt 1 tổ chức cho giáo viên có kinh nghiệm góp ý; mỗi sở GD&ĐT chọn cử 10 giáo viên cho một môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK. Đợt 2 tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 góp ý. Đợt cuối cùng mở rộng cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý bản mẫu sách đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website trước khi in, phát hành.

Ảnh minh họa/INT

Đến thời điểm này, giáo viên được các sở GD&ĐT lựa chọn đã tiếp cận, nghiên cứu bản mẫu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Nhiều giáo viên được phân công dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 cũng sẵn sàng tinh thần chủ động để đọc, nghiên cứu khi được tiếp cận bản mẫu SGK. Tinh thần này cần được lan tỏa, khuyến khích bởi đây chính là bước chuẩn bị không thể thiếu để thầy cô triển khai hiệu quả hơn chương trình mới.

Việc tiếp cận SGK sớm giúp thầy cô chủ động hơn trong tìm hiểu nội dung, định hướng được chương trình thay vì chỉ dựa vào yêu cầu cần đạt như trong các đợt tập huấn trước đây; đồng thời dễ dàng hơn khi lựa chọn bộ sách phù hợp với đặc điểm học sinh của mình. Việc này cũng giúp giáo viên chủ động trong tự bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng được nội dung kiến thức trong chương trình mới. Có thể nói, chỉ khi đầu tư thời gian nghiên cứu chương trình, SGK một cách nghiêm túc, trách nhiệm, giáo viên mới có thể thực sự làm chủ kiến thức, làm chủ chương trình và SGK trước khi thiết kế các hoạt động dạy học với chủ đề cụ thể.

SGK là tài liệu dạy học quan trọng trong nhà trường, việc thầy cô sớm tiếp cận, nghiên cứu bản mẫu SGK còn được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa những sai sót trong mỗi bộ sách trước khi đưa vào giảng dạy chính thức. Bởi vậy rất cần đến tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của thầy cô; đồng thời cũng cần sự chỉ đạo thống nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích của các cấp quản lý giáo dục, từ trường, phòng đến sở GD&ĐT.

Trên thực tế, thời điểm này có thầy cô tìm được nguồn bản mẫu sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ một số trang mạng, không phải nguồn chính thống. Theo thông tin từ một số giáo viên được sở GD&ĐT phân công đọc, nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK, các thầy cô được cấp tài khoản, truy cập để tiếp cận bản mẫu chính thức; những bản mẫu này chưa được công khai rộng rãi. Do đó, giáo viên chủ động để có thể tiếp cận sớm bản mẫu SGK nhưng cần thận trọng để làm sao đọc, nghiên cứu, góp ý đúng bản chính thức; nhà trường, cơ quan quản lý cũng cần đồng hành, định hướng thầy cô trong việc này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội